Người dân xứ Nghệ ‘héo’ vì hàng nghìn ha lúa ‘khát’

Hạn hán, xâm nhập mặn khiến nông dân nhiều địa phương tại Nghệ An phải bỏ hoang đồng ruộng chờ nước. Trong khi đó, hàng nghìn ha lúa vừa gieo cấy đang đối mặt với nguy cơ chết khô.

Trắng đêm bơm nước cứu lúa

Gần 2 tháng nay xã Quang Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nắng nóng liên tục, đất đai khô nứt nẻ không thể gieo cấy lúa. Trong khi đó, khoảng 30 hồ đập trên địa bàn cũng cạn xuống đáy do năm 2019 ít mưa, lượng nước tích trữ ít. Có một số đập lớn vẫn còn khoảng 50% nước, nhưng không đủ tưới tiêu ra các cánh đồng. Gia đình chị Phan Thị Tuyết (xóm Đông Nam, xã Quang Thành) có 5 sào ruộng, dù đã chuẩn bị lúa giống cho vụ hè thu đầy đủ nhưng vẫn chưa thể gieo trồng.

“Chúng tôi chủ yếu lấy nước từ đập Hang Đá nhưng năm nay nước cạn xuống đáy rồi, không đủ dẫn nước ra đồng. Gia đình chủ yếu làm nông, nay không gieo cấy được, vợ chồng tôi đang không biết làm thế nào”, chị Tuyết lo lắng.

Ông Phan Đức Tiến – Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết, toàn xã có hơn 270 ha đất gieo cấy vụ hè thu. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nên dự kiến phải chuyển đổi khoảng 80ha để sản xuất các loại cây trồng khác. Ngoài ra số lúa đã gieo cũng đang đối mặt với nguy cơ cháy khô vì nắng nóng.

Tương tự, xã Tây Thành, huyện Yên Thành chỉ mới gieo cấy được 20/165ha lúa. Các xã Tiến Thành, Mã Thành, Hùng Thành, Tây Thành, Quang Thành, Tây Thành, Mỹ Thành… bị hạn nặng, hàng trăm ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thành cho biết: “Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn huyện có khoảng 600ha lúa gieo cấy bị thiếu nước. Yên Thành là huyện trọng điểm sản xuất lúa toàn tỉnh Nghệ An, nhưng với thời tiết này, một số địa phương phải chuyển đổi sang cây trồng khác có khả năng chịu hạn tốt hơn”.

Trong khi đó, tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An)nhiều nông dân phải thức cả đêm để đưa nước lên ruộng. Bà Phạm Thị Yến (xã Hưng Tây) cùng chồng ra đồng từ hơn 1 giờ sáng. Gia đình bà có 7 sào lúa đang khô héo vì nắng hạn. Nước dưới kênh cạn, không tự chảy được vào ruộng nên vợ chồng phải dùng máy bơm. Sau một đêm vất vả, số nước bơm lên mới chỉ đủ “tráng” bề mặt ruộng. “Nếu nắng nóng kéo dài thì không biết duy trì được bao lâu. Năm nay hạn sớm và nặng hơn so với các năm trước. Chưa kể sâu bệnh, chuột bọ phá lúa, vụ hè thu này xác định là mất mùa”, bà Yến than thở.

Huyện Hưng Nguyên đang có 700ha lúa thiếu nước trầm trọng. Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Trước mắt huyện chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực nạo vét kênh mương, sử dụng máy bơm dã chiến để cứu diện tích lúa gần nguồn nước. Đồng thời sử dụng máy bơm công suất lớn bơm nước từ hồ đập lên kênh thủy lợi”.

Người dân huyện Hưng Nguyên bơm nước từ kênh thủy lợi lên ruộng.

Hồ đập cạn nước, nguy cơ xâm nhập mặn

Nghệ An hiện có hơn 1.000 hồ đập, 600 trạm bơm và 6.000 km kênh mương. Ông Nguyễn Trường Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An – cho biết, hiện trong 96 hồ ở Nghệ An do doanh nghiệp quản lý chỉ có 1 hồ đầy nước. Còn 965 hồ do xã và hợp tác xã quản lý đều chỉ đạt 50% – 65% dung tích thiết kế. Đặc biệt, các công trình đầu mối như thượng lưu cống Nam Đàn, cống Nghi Quang (Nghi Lộc), bara Đô Lương… hiện đều thấp hơn mực nước thiết kế. Hồ thủy điện Bản Vẽ và hồ Khe Bố (huyện Tương Dương) cũng tương tự.

Theo ông Nguyễn Trường Thành, với dự báo thời tiết nắng nóng kéo dài và thực trạng nguồn nước hiện nay, nguy cơ hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Ước tính có khoảng 13.000ha lúa và hoa màu bị hạn, thiếu nước nếu không có mưa. “Năm nay nhuận hai tháng Tư (âm lịch) nên khả năng hạn hán sẽ nặng nề hơn các năm trước. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền nhân dân tiết kiệm nước. Các đơn vị thủy lợi, các địa phương tưới tiêu hợp lý. Với những diện tích đất khô cạn nguồn nước cần chuyển đổi sang trồng cây hoa màu”, ông Thành nói.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ hè thu, tình trạng hạn hán cũng gây nguy cơ xâm nhập mặn. Công trình Bara Nghi Quang (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và phục vụ tưới tiêu cho vùng Nam Nghệ An với 23.000 ha lúa khu công nghiệp, dân sinh. Công trình hiện đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cửa tự động, cửa van phẳng, cửa cung, khóa cửa tự động đã cũ, nhiều bộ phận hư hỏng. Vì vậy, tác dụng ngăn xâm nhập mặn bị ảnh hưởng, việc chủ động tiêu úng vào mùa mưa cũng gặp khó khăn. Cùng với đó, những năm gần đây, mực nước sông Lam xuống quá thấp, nước ngọt về vùng đuôi sông Cấm không có, nên xảy ra hiện tượng mặn xâm nhập vào cuối vụ xuân hè. Ảnh hưởng nặng nhất làvùng nông nghiệp ở cuối sông Cấm thiếu nước ngọt để sản xuất.

Bara Bến Thủy (TP Vinh) có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng và chống lũ cho hơn 3.000 ha lúa vùng Nam Đàn – Hưng Nguyên – Nghi Lộc. Những năm qua, tình trạng mặn xâm nhập xảy ra sớm từ vụ Xuân do mưa ít, mực nước sông vùng hạ lưu cạn. Theo ông Lê Đình Nam – Trạm trưởng Trạm quản lý bara Bến Thủy thông tin, từ đầu tháng 5 phía hạ lưu đã xuất hiện mặn. Vì vậy, mỗi ngày đơn vị đều phải đo nồng độ mặn ở các điểm khác nhau để có kết quả chính xác, sớm khuyến cáo bà con sử dụng nước hợp lý, có giải pháp cho hoạt động sản xuất.

Trước thực trạng sản xuất ảnh hưởng do nắng nóng kéo dài, UBND Nghệ An cũng đã yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai các giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, kiểm tra, đánh giá, cân đối lại nguồn nước thực tế để điều tiết, phân phối hợp lý, tiết kiệm. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước. Đồng thời hướng dẫn người dân cơ cấu lại cây trồng vụ hè thu phù hợp.

Theo Giáo dục & Thời đại
Ảnh: Đồng ruộng nứt nẻ vì thiếu nước.
Xem bài viết gốc tại đây: