Chính phủ vừa ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định gồm 78 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định bao gồm: Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường; các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải.
Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề.
Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản.
Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn.
Các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền.
Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường; cung cấp, công khai thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.
Cụ thể hình thức và mức xử phạt
Về hình thức xử phạt chính, mức xử phạt, Nghị định quy định, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính đó là: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỉ đồng đối với cá nhân và 2 tỉ đồng đối với tổ chức.
Hình thức xử phạt bổ sung, gồm: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với một số loại giấy tờ như: Giấy phép môi trường; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; giấy phép tiếp cận nguồn gen; giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen…
Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật;
Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định như: Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định; buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu do vi phạm hành chính gây ra; buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; buộc phải phá dỡ công trình, thiết bị để pha loãng chất thải và phải xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; buộc phá dỡ, di dời công trình, cây trồng; buộc phá dỡ công trình, nhà ở trái phép.
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định; buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật; buộc phải thực hiện biện pháp giảm thiểu độ rung đạt quy chuẩn kỹ thuật.
Buộc tái xuất máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chất thải nhập khẩu từ nước ngoài; buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; buộc tái xuất lô hàng chứa sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Buộc tiêu hủy máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chất thải nhập khẩu từ nước ngoài; buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại; tiêu hủy toàn bộ sinh vật biến đổi gen chưa được cấp giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen hoặc giấy chứng nhận an toàn sinh học..
Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về hiện trạng môi trường.
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
Buộc phải thu hồi kết quả phát sinh từ các hoạt động tiếp cận nguồn gen trái pháp luật; buộc hủy kết quả thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính.
Buộc phải thực hiện biện pháp thu gom, lưu giữ và quản lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị đã nhập khẩu, sản xuất và sử dụng có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định và báo cáo đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.
Buộc chuyển giao chất thải cho đơn vị có chức năng xử lý; buộc chuyển giao các chất và thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ các chất được kiểm soát cần xử lý theo đúng quy định cho đơn vị có chức năng xử lý và chịu mọi chi phí phát sinh.
Truy thu số phí bảo vệ môi trường nộp thiếu, trốn nộp; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường; buộc phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường; buộc mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường…
Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Buộc lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính cho (các) năm nộp chậm, nộp thiếu và chịu mọi phí tổn phát sinh nếu có; buộc cung cấp thông tin đúng, đầy đủ trong báo cáo kiểm kê khí nhà kính, báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính; buộc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định; buộc gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo quy định…
P.V – Báo BVPL
Theo Bảo Vệ Pháp Luật
Ảnh: Rác thải gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh minh họa)
Xem bài viết gốc tại đây: