Ngăn chặn tình trạng đổ rác sai quy định

Tại mỗi địa bàn khu dân cư hiện nay đều được phân chia khung giờ đổ rác để bảo đảm việc vận chuyển, giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, tình trạng đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Vì một Thủ đô xanh, sạch, văn minh, rất cần các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử phạt những trường hợp vi phạm nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đổ rác sai quy định.

Nhiều vi phạm

Khảo sát của phóng viên Báo Hànôịmới ngày 7-4 cho thấy, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), nhiều đoạn để đầy túi rác ở vỉa hè, cạnh gốc cây, cột điện. Đi sâu vào các ngõ, ngách đường Nguyễn Văn Cừ cũng có không ít đống rác, trong đó nhiều nhất là ở trước khu vực cổng Trường Tiểu học Ái Mộ B (ngõ 135 Nguyễn Văn Cừ).

Chị Nguyễn Thúy Hà, có con đang học ở Trường Tiểu học Ái Mộ B cho biết: “Hai đống rác to án ngữ ngay bên tường rào và vỉa hè trước cổng trường vừa mất vệ sinh môi trường vừa ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Rất mong, đơn vị vệ sinh môi trường sớm dọn dẹp để trả lại môi trường sạch, đẹp ở đây”. Cũng trên địa bàn quận Long Biên, tại ngách 154/39 đường Ngọc Lâm tồn tại đống rác chắn ngay lối vào Nhà văn hóa tổ dân phố 13 + 17 + 18.

Theo chị Nguyễn Thị Điệp, Tổ trưởng tổ môi trường số 1 – Công ty Môi trường đô thị Gia Lâm (quận Long Biên), người dân đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định khiến công nhân môi trường rất vất vả đi gom rác. “Tình trạng đổ rác tùy tiện làm cho có thời điểm ở một số nơi trên địa bàn quận Long Biên rác chất thành đống vì công nhân thu gom không kịp. Nhiều lúc chúng tôi vừa dọn xong, quay lại đã thấy người dân vứt rác ra đường”, chị Nguyễn Thị Điệp nói.

Tương tự, dọc các tuyến phố Nguyễn Khuyến, Cát Linh (quận Đống Đa), Giảng Võ, Láng Hạ (quận Ba Đình); khu dân cư Đình Thôn, phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm)… cũng thường xuyên xuất hiện các đống rác bất kể ngày, đêm. Đặc biệt, tại địa bàn thôn Hòa Hợp, xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) từ lâu nay tồn tại tình trạng rác thải đổ bừa bãi ven đường giao thông, kéo dài hơn 60m.

Ông Lê Trần Hồng, ở thôn Hòa Hợp bức xúc: “Tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định, tràn ra đường, gần lối vào Khu công nghiệp An Phát, đã diễn ra 5-6 năm nay. Mùi hôi thối nồng nặc và nước từ đống rác chảy ra đường gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu vực…”.

Rác thải để không đúng nơi quy định tại đầu ngõ 66 đường Ngọc Lâm (quận Long Biên). Ảnh: Ngân Thùy

Tăng cường giám sát, xử phạt

Để giải quyết tình trạng trên, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Hợp Nguyễn Văn Đoan cho biết, đã phản ánh tới chính quyền địa phương. “Chúng tôi được biết khu vực này đã có dự án xây dựng nhà chứa rác. Trong khi chờ dự án được triển khai, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đổ rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Văn Đoan nói.

Còn theo Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) – chi nhánh Cầu Diễn Nguyễn Hoàng Anh, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có nhiều người dân, nhất là công nhân, sinh viên, người lao động thuê trọ còn thiếu ý thức, không đổ rác đúng giờ, thêm vào đó tại các chợ đầu mối, người buôn bán không muốn trả phí vệ sinh nên đã mang rác vứt bừa bãi ra đường… Đơn vị vừa ký hợp đồng thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm giai đoạn 2021-2026. Để ngăn chặn tình trạng đổ rác sai quy định, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kết hợp tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên Nguyễn Văn Hậu cho biết, quận Long Biên ký hợp đồng thu gom vận chuyển rác thải với 3 đơn vị môi trường đô thị, tuy nhiên tình trạng đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định vẫn tồn tại. Để ngăn chặn tình trạng này, quận sẽ phối hợp với đơn vị môi trường đô thị tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Nghị định số 155/ 2016/NĐ-CP (ngày 18-11-2016) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng).

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) Nguyễn Hồng Thái, UBND phường huy động xã hội hóa lắp đặt camera giám sát tại một số địa điểm dễ phát sinh vi phạm. Khi phát hiện người đổ rác sai quy định qua hệ thống camera giám sát, phường sẽ triệu tập để xử phạt theo quy định.

Gìn giữ môi trường thông qua việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định không chỉ là trách nhiệm của riêng đơn vị thu gom rác hay cấp chính quyền địa phương nào mà cần sự chung tay của mọi người dân trong cộng đồng. Trong đó, vai trò của các đoàn thể ở cơ sở rất quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền về các quy định của pháp luật cũng như phát động các phong trào thi đua nhằm thu hút người dân cùng hành động bảo vệ môi trường.

Nhóm phóng viên – Báo HNM

Theo Hà Nội Mới

Ảnh: Công nhân môi trường thu gom rác tại phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Ảnh: Đỗ Tâm

Xem bài viết gốc tại đây:

http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/995950/ngan-chan-tinh-trang-do-rac-sai-quy-dinh