Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hóa chất qua 13 năm.
Báo cáo đánh giá sơ bộ 13 năm thi hành Luật Hóa chất, bà Nguyễn Kim Liên – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất – cho biết, Luật Hóa chất đã được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Đến nay, Luật Hóa chất đã có 13 năm thi hành ổn định, là một trong những Luật có thời gian thi hành ổn định lâu nhất.
Tuy nhiên việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật.
Trên cơ sở Luật Hóa chất và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, công tác quản lý hóa chất đã đi vào cuộc sống. Các cơ quan quản lý hóa chất từ trung ương đến địa phương đều có định hướng quản lý rõ ràng cùng bộ máy giúp việc thành hệ thống. Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có ý thức tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất từ khâu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất. Việc chấp hành các quy định của Luật Hóa chất đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian qua.
Ông Lưu Đức Tùng – Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn công nghiệp, Sở Công Thương Thanh Hóa – nêu cụ thể những vướng mắc: Luật Hóa chất và các văn bản dưới Luật chưa quy định cụ thể về việc thiết lập khoảng cách an toàn hóa chất từ khu vực sản xuất, cất giữ tới các điểm dân cư, công trình công cộng… Vì vậy, các cơ sở hoạt động hóa chất cũng như cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Ông Lưu Đức Tùng bày tỏ thêm: “Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chưa ban hành các quy định an toàn trong hoạt động sang, chiết hóa chất cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ, bảo quản, vận chuyển các hoạt chất nguy hiểm dạng hỗn hợp (như cồn đốt, các loại dung môi trong ngành sơn, mực in,…) gây khó khăn trong công tác quản lý an toàn hóa chất đối với các hoạt động nêu trên” .
Để có cơ sở cho việc xây dựng Luật Hóa chất (thay thế), Cục Hóa chất thời gian qua đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Hóa chất.
Cục cũng đã sơ bộ lấy ý kiến khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đánh giá thi hành Luật. Các ý kiến này được Cục tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Hóa chất.
Theo đó, để công tác quản lý hóa chất phát huy hiệu quả, những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước tại hội nghị và ý kiến khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Hóa chất mới tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động hóa chất, hướng tới các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động hóa chất, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung thay thế Luật Hóa chất là thực sự cần thiết./.
PV (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ngày 30/6, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Hóa chất. Nguồn: Báo Công Thương