Vào mùa mưa bão, gió tây- nam hoạt động mạnh, tuyến đê biển Tây Cà Mau đặt trong tình huống khẩn cấp sạt lở.
Ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nói: “Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng Bộ NN- PTNT, các Viện trường để khảo sát, thiết kế, thẩm định…các công trình khẩn cấp bảo vệ đê biển Tây Cà Mau.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ký Quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây trên địa bàn huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.
Chiều dài tuyến đê biển Tây trong tình huống khẩn cấp sạt lở hơn 3.300m, với 4 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ đê. Đó là đoạn từ Hương Mai – Tiểu Dừa, thuộc xã Khánh Tiến (U Minh), có hai vị trí sạt lở 610m và 315m; Đoạn từ Ba Tỉnh – T25 thộc xã Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) 1.900m và đoạn đê thuộc xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) dài 500m.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở NN- PTNT Cà Mau khảo sát, lập thủ tục đầu tư chống sạt lở trình cấp, có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh khoanh vùng và thiết lập hành lang an toàn ở khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời xử lý.
Ngoài ra, UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh còn có trách nhiệm vận động, sơ tán người dân ra khỏi những khu vực sạt lở nguy hiểm.
Trước đó, vào đầu tháng 8 đến nay, ảnh hưởng của cơn bão số 2 nhiều đoạn đê biển của tỉnh Cà Mau tiếp tục bị sóng biển đánh sạt lở rất nghiêm trọng. Nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra ở 6 vị trí, với chiều dài khoảng 5km. Sở NN- PTNT Cà Mau đã đề xuất công bố tình huống khẩn cấp để kịp thời khắc phục.
Theo Tiền Phong
Ảnh: Tuyến đê biển Tây Cà Mau từ Kiên Giang đến Mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão, gió tây- nam hoạt động mạnh
Xem bài viết gốc tại đây: