Một số ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Dự thảo đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước, kế thừa những điểm còn phù hợp và khắc phục những hạn chế, bất cập.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm: 10 chương, 131 điều được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, địa chỉ http://thanhtra.gov.vn để lấy ý kiến trong Nhân dân. Dự thảo đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Thanh tra nhà nước, kế thừa những điểm còn phù hợp và khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 10 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nội dung cần được tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng, cần xem xét một số nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất: Về thể thức và kỹ thuật trình bày cần thực hiện theo Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thứ hai: Về nội dung.

(1). Điều 4 quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra:

– Khoản 1: nên bổ sung cụm từ “trung thực” sau cụm từ “khách quan”, đây là nguyên tắc rất cần thiết trong hoạt động thanh tra.

– Khoản 3: nên thay cụm từ “cơ quan thanh tra” bằng cụm từ “cơ quan tiến hành thanh tra”.

“3. Không trùng lặp về nội dung, phạm vi giữa các cơ quan tiến hành thanh tra và giữa Cơ quan tiến hành thanh tra với Cơ quan kiểm toán nhà nước”.

Vì thực tế hiện nay, hoạt động thanh tra không chỉ do Cơ quan Thanh tra tiến hành mà còn các cơ quan khác: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ, ngành, Sở cũng tiến hành thanh tra thì vẫn phải tuân thủ theo nguyên tắc này và nó phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thanh tra (khoản 10 Điều 22), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền thanh tra (khoản 8 Điều 29) và pháp luật chuyên ngành khác cũng quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Giám đốc sở cũng được tổ chức hoạt động thanh tra.

Dự án TISCO II có tổng mức đầu tư 8.100 tỉ đồng được xây dựng từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. Ngày 20.2.2019, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án này và đã chuyển kết luận đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ảnh: Internet

(2). Khoản 2 Điều 6 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu: nên giải thích cụ thể về “người tiến hành thanh tra” bao gồm: Cơ quan tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra” hoặc bổ sung người có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu gồm: Cơ quan tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra”

(3). Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

– Khoản 2: “Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao, Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt” để tránh trùng, lặp nên bỏ cụm từ “nội dung” vì khoản 4 Điều 2 đã giải thích phạm vi thanh tra bao đã gồm nội dung thanh tra.

– Khoản 3: Bổ sung thêm cụm từ “tiết lộ thông tin” vào trước cụm từ “cho đối tượng thanh tra”.

(4). Khoản 2 Điều 10 quy định trách nhiệm tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm tra “nếu thấy vi phạm đến mức nghiêm trọng” thì kiến nghị hoặc giao Cơ quan Công an xác minh, xử lý theo thẩm quyền”.

Cần quy định cụ thể, thế nào là “đến mức nghiêm trọng”, giải thích cụ thể hoặc thay bằng “nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự” thì thì kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền giao Cơ quan điều tra xác minh, xử lý theo quy định.

(5). Khoản 1 Điều 11 quy định thẩm quyền tổ chức và thực hiện hoạt động thanh tra: nên bổ sung “Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện”. Vì theo khoản 8 Điều 29 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện “Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật” như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền tổ chức hoạt động thanh tra.

(6). Khoản 4 Điều 14 quy định các cơ quan thanh tra trong hệ thống hành chính nhà nước bổ sung cụm từ “Thanh tra một số quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

(7). Khoản 1 Điều 16 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ bổ sung “Thanh tra lại vụ việc đã được Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận”.

(8). Khoản 2 Điều 22 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra bộ: đề nghị bỏ quy định “thanh tra lại vụ việc được thanh tra Sở kết luận” vì nhiệm vụ này chồng chéo với quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh.

(9). Khoản 1 Điều 29 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh: bỏ cụm từ “nội dung” vì: khoản 4 Điều 2 đã giải thích phạm vi thanh tra đã bao gồm cả nội dung thanh tra.

(10). Khoản 1 Điều 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở: Nội dung này chưa thống nhất với điểm a khoản 1 Điều 28 Dự thảo, cụ thể:

“Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh

  1. Trong lĩnh vực thanh tra:
  2. a) Xây dựng Kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, chỉ đạo Thanh tra sở xây dựng Kế hoạch thanh tra để tổng hợp vào Kế hoạch thanh tra của tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm Kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh và Kế hoạch thanh tra của Sở.

Nên quy định thống nhất, Kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm: Kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh và Kế hoạch thanh tra của Sở để giảm bớt chồng chéo trong hoạt động thanh tra trên địa bàn tỉnh.

(11). Khoản 1 Điều 38 quy định tổ chức của Thanh tra huyện: Đề nghị bổ sung cơ cấu tổ chức Thanh tra huyện có Phó Chánh Thanh tra.

Việc tổ chức cơ quan chuyên môn mà không có cấp phó là điều hết sức khó khăn, hơn nữa đối với cơ quan Thanh tra lại rất cần thiết.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, và đề nghị chuyển cơ quan công an khởi tố điều tra. Ảnh TL

(12). Khoản 4 Điều 41 quy định tổ chức và hoạt động thanh tra của: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: thay cụm từ “Thanh tra quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” bằng cụm từ “Thanh tra Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” để phù hợp với tên của tổ chức này.

(13). Khoản 2 Điều 47 quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp: Nên quy định có thâm niên ở ngạch Thanh tra viên chính tối thiểu là là 9 năm thay vì 12 năm.

(14). Khoản 3 Điều 47 quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp: để có cơ chế động viên, khuyến khích cho những người có thâm niên, yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với ngành, nghề thanh tra, đề nghị sửa, đổi như sau: “Thanh tra viên cao cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

(15). Điều 49 quy định xây dựng, ban hành định hướng hoạt động thanh tra hằng năm, kế hoạch thanh tra:

– Khoản 5: Thay cụm từ “căn cứ vào kế hoạch thanh tra của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh” bằng cụm từ “căn cứ vào hướng dẫn của Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh” vì thời điểm 30 tháng 9 hằng năm chưa có Kế hoạch của Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều này “Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm”.

– Bổ sung khoản 6 “Chậm nhất vào ngày 05 tháng 12 hằng năm, Chánh Thanh tra huyện căn cứ vào kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh và yêu cầu công tác quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt kế hoạch thanh tra”.

(16). Khoản 1 Điều 51 quy định thời hạn thanh tra: Bổ sung “Thời hạn cuộc thanh tra do Thanh tra huyện tiến hành”:

Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, thanh tra huyện tiến hành không quá 30 ngày làm việc; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày làm việc”.

(17). Khoản 1 Điều 52 quy định căn cứ ra Quyết định thanh tra: Thay cụm từ “Kế hoạch thanh tra” bằng “Kế hoạch thanh tra được phê duyệt”, vì nếu có Kế hoạch thanh tra nhưng chưa được phê duyệt thì chưa thể ban hành quyết định thanh tra.

(18). Điều 56 quy định nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra:

Bổ sung khoản 4 “Khi có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động của Thanh tra sở và thanh tra huyện thì hoạt động của Thanh tra huyện được đình chỉ”.

(19). Điều 57 quy định ra Quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra:

Bổ sung quy định “Khi xét thấy cần thiết, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra”.

(20). Điều 58 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra:

Tại khoản 3: Thay cụm từ “khoản 3” bằng “khoản 1”.

(21). Điều 65 quy định Công bố Quyết định thanh tra: “trong trường hợp đối tượng thanh tra có hành vi chống đối, cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và tiếp tục thực hiện cuộc thanh tra theo kế hoạch.

Nên quy định cụ thể cấp xã nào, ví dụ: nơi đối tượng thanh tra có trụ sở (đối với tổ chức) hoặc nới đăng ký thường trú (đối với cá nhân).

(22). Điều 69 quy định xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra:

– Thay cụm từ “quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước” bằng “quản lý, sử dụng tài sản công” để phù hợp với Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

– Thay cụm từ “sử dụng vốn đầu tư công” bằng “sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công” vì theo khoản 4, Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 7, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 còn có “Vốn nhà nước ngoài đầu tư công”.

– Các điểm c, d, đ khoản 3 cần lượng hóa mức độ sai phạm nào thì chuyển Cơ quan điều tra, ví dụ: Nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng,…

Nếu theo như dự thảo hiện nay (điểm c khoản 3 Điều 69) thì tất cả các hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai đều chuyển cho Cơ quan điều tra (cả cả những sai phạm nhỏ phải xứ lý hành chính như: lấn, chiếm, đất đai…

(23). Điều 70 quy định về sửa đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch tiến hành thanh tra: Nên bỏ khoản 3, vì trùng với các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra đã được quy định tại Điều 8.

(24). Điều 79 quy định về kiểm kê tài sản: Bỏ từ “sách”, vì: sách là sách in, sách giáo khoa…

  1. Khi tiến hành thanh tra nếu phát hiện giữa sổ sách, chứng từ với thực tế có chênh lệch, bất hợp lý hoặc có dấu hiệu chiếm dụng, chiếm đoạt, có hành vi chiếm dụng, chiếm đoạt tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra, Người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm kê tài sản.

(25). Điều 83 quy định yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra:

Khoản 6: Thay cụm từ “Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện phong tỏa tài khoản của là đối tượng thanh tra” bằng “Việc phong tỏa tài khoản được thực hiện theo quy định của Chính phủ” vì theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không còn Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, theo Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì thẩm quyền quy định vấn đề này thuộc về Chính phủ.

(26). Điều 85 quy định báo cáo kết quả thanh tra: Bổ sung thời hạn báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra huyện.

– Điểm c khoản 1: bổ sung cụm từ “Thanh tra huyện” vào sau cụm từ “Thanh tra sở,”.

(27). Khoản 3 Điều 89 quy định về ban hành Kết luận thanh tra:

Thay cụm từ “Người quyết định thanh tra” bằng “Người ký kết luận thanh tra”, vì việc sửa Kết luận thanh tra được thực hiện sau khi Kết luận thanh tra đã được ban hành.

(28). Điều 102 quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra:

Khoản 1 và Khoản 2: Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của của thành viên đoàn thanh tra trong quá trình tiến hành thanh tra thuộc về Trưởng đoàn thanh tra và Thủ trưởng cơ quan thanh tra như vậy dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền, cần phân định rõ trường hợp nào thuộc về Trưởng đoàn, trường hợp nào thuộc về Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

(29). Khoản 1 Điều 104 quy định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành Kết luận thanh tra: Bổ sung “Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra huyện”.

(30). Khoản 2 Điều 105 quy định trách nhiệm của người ký Kết luận thanh tra: Nên bổ sung cụm từ “Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp” sau cụm từ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” vì các chủ thể khác cũng thực hiện hoạt động thanh tra, như: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc Thanh tra sở, Thanh tra huyện.

Thứ ba: Việc không tổ chức Thanh tra ở cấp huyện và ở một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đây là thay đổi căn bản, có tác động tương đối lớn đến tổ chức bộ máy; chức năng, nhiệm vụ các cơ quan thanh tra Nhà nước hiện nay cần được xem xét một cách toàn diện trong mối liên hệ với các luật khác có liên quan như: Luật tiếp công dân năm 2014, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015…

Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định phải đánh giá tác động chính sách khi xây dựng chính sách luật, đặc biệt là Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này đề cập đến việc không tổ chức Thanh tra ở cấp huyện và ở một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tác động tương đối lớn đến nhiều đối tượng cần được lấy ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động chính sách một cách thận trọng, kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội xem xét, ban hành./.

Đồng Văn Nam

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)