Một số lưu ý về giấy phép xây dựng nhà ở bạn nên biết?

Người dân nên nắm rõ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, phải có giấy phép xây dựng khi xây nhà ở.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng 2014 và Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (nhà ở liền kề, nhà biệt thự, nhà ở độc lập) gồm các giấy tờ sau:

– Đơn xin giấy phép xây dựng theo mẫu.

– Một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất.

– 2 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật về xây dựng có yêu cầu.

Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn công bố mẫu bản vẽ thiết kế để hộ gia đình, cá nhân tham khảo khi tự lập thiết kế xây dựng.

Trường hợp nào thì được miễn giấy phép xây dựng nhà ở?

3 trường hợp dưới đây không bắt buộc phải có bản vẽ thiết kế xây dựng khi xây dựng nhà ở:

Thứ nhất, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Thứ ba, nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Khi nào người dân được tự thiết kế nhà ở?

Khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng 2014, quy định cụ thể: thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng yêu cầu thiết kế quy định tại Khoản 3 Điều này;

Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.”.

Tóm lại, cá nhân, hộ gia đình được tự thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với trường hợp nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250m2 hoặc có chiều cao dưới 12m hoặc dưới 3 tầng. Khi tự thiết kế thì hộ gia đình, cá nhân có thể tham khảo mẫu thiết kế do UBND tỉnh, thành nơi có nhà ở công bố.

Dù được tự tay thiết kế nhà ở, nhưng phải đáp ứng các điều kiện:

– Tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng, đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng (nếu có).

– Bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mĩ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác.

Đỗ Quang – Báo Xây Dựng

Theo Xây Dựng

Ảnh: Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baoxaydung.com.vn/mot-so-luu-y-ve-giay-phep-xay-dung-nha-o-ban-nen-biet-326447.html