Việc tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo
Hỏi: Những ngày này, cả nước đang gồng mình, chung tay đồng lòng chống dịch Covid-19 thì vẫn có không ít người thiếu ý thức, đăng tải nhiều thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc trên mạng xã hội làm rối loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Vậy xin Luật sư biết, làm thế nào để nhận biết đâu là thông tin trên trang mạng xã hội thật hay giả?
(Xuân Chiến, Bố Hạ, Yên Thế, Bắc Giang)
Luật sư trả lời:
Những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn tỉnh diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Cùng với thói quen chia sẻ thông tin tùy tiện, không kiểm chứng và thiếu trách nhiệm, không ít người vô tình đã tiếp tay cho những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt theo cấp số nhân và sự nguy hiểm của nó không thua vi-rút SARS-CoV-2 gây ra .
Trên không gian mạng xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả. Việc tiếp cận thông tin trên không gian mạng, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo, cụ thể:
Thứ nhất: Kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.
Thứ hai: Kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia “.vn” và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Người dân nên quan sát và phân biệt rõ các trang mạng xã hội chính thống và các trang giả mạo.
Thứ ba: Kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để suy ngẫm xác định thông tin thật hay giả; tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung, ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi. Tìm các tin, bài viết trên các trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.
Thứ tư: Lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân; thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hoạt động vi phạm pháp luật hoặc thông tin mà chưa rõ nguồn gốc, chưa xác định được tính chính xác của thông tin.
Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. /.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ phòng Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thái Bình tăng cường nắm tình hình trên không gian mạng, phát hiện các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19