Làm gì để rừng phải thực sự là ‘rừng vàng’?

Rừng chính là vàng và để biến rừng thành vàng thực sự thì cần phải biết quý trọng và bảo vệ rừng.

Nhân kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam và 76 năm ngày thành lập ngành Lâm nghiệp cách mạng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có bức tâm thư gửi tới toàn ngành. Trong đó, ông bày tỏ mong muốn ngành lâm nghiệp đoàn kết, sáng tạo, phát huy tính đa giá trị của rừng để rừng thực sự trở thành “rừng vàng”.

Chia sẻ với tâm tư của lãnh đạo ngành, chuyên gia quản lý và phát triển rừng ngập mặn Phát triển bền vững – Phan Hồng Anh nhận định, bản thân rừng đã là vàng.

Theo vị chuyên gia, rừng có hai loại rừng, rừng trên cao và rừng dưới nước. Rừng ở nơi nào cũng luôn được coi là vàng, bạc bởi những giá trị quý giá rừng mang lại.

Với loại rừng dưới nước thì giá trị lớn nhất rừng mang lại là có thể giúp con người khai thác, chế biến, sử dụng để mang lại lợi nhuận, bảo vệ đời sống ổn định cho nhiều người.

Với rừng trên cao, rừng không chỉ là lá phổi xanh, điều hòa nguồn nước, là tấm khiên chắn, phòng lũ lụt bảo vệ đời sống con người. Rừng còn mang lại những giá trị kinh tế lớn, giúp phát triển, ổn định đời sống cho người dân.

“Giá trị của rừng vẫn luôn khẳng định, bản thân rừng vẫn là vàng. Vấn đề hiện nay là quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển rừng thế nào để rừng có thể phát huy tối đa những giá trị quý giá của rừng”, vị chuyên gia nhận định.

Từ đó, chuyên gia Phan Hồng Anh cho rằng, mối quan tâm lớn nhất của ông hiện nay là làm sao bảo vệ cho được rừng hiện có và củng cố, phát triển rừng càng nhiều càng quý.

“Nhất là với những diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, còn bao nhiêu phải giữ cho được bằng đó. Với những khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nghèo, thì bổ sung, phát triển thêm. Không nên chuyển đổi mục đích các diện tích rừng này để làm dự án, phát triển du lịch. Các vùng xung yếu của chúng ta rất cần sự bảo vệ của những khu rừng này.

Nên nhớ, để hình thành được một khu rừng như vậy phải mất hàng trăm năm, nhưng nếu phá đi chỉ mất trong vài ngày.

Vì thế, muốn rừng trở thành rừng vàng thật sự thì giữa mong muốn với hành động phải đi đôi với nhau. Giữ rừng, phát triển rừng phải đi cùng với các cơ chế bảo vệ. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý là rất lớn.

Tuy nhiên, để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả nhất vẫn nên dựa vào cộng đồng. Khi rừng gắn với đời sống, lợi ích của người dân thì người dân sẽ phải bảo vệ và phát triển rừng”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Cũng khẳng định, rừng chính là vàng, một chuyên gia Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng cho rằng nếu phát huy được hết giá trị của rừng thì rừng không chỉ là vàng mà còn quý hơn cả vàng. Đó là những giá trị về môi trường, phòng chống lũ lụt, cân bằng sinh thái, chống biến đổi khí hậu… những giá trị mà cả vàng, bạc không mua lại được.

Bên cạnh đó, rừng còn có khả năng mang lại những giá trị kinh tế rất lớn như trồng sâm dưới tán rừng, trồng các loại thảo dược, thuốc quý mang lại nguồn thu lớn cho người dân.

Như vậy, rừng chính là vàng và để biến rừng thành vàng thực sự thì cần phải biết quý trọng và bảo vệ rừng.

“Việc bảo vệ rừng phải gắn với lợi ích và trách nhiệm của người được hưởng lợi, có như vậy ý thức bảo vệ rừng mới cao. Ví dụ như ở Quảng Nam, để khai thác và làm giàu được từ những khu rừng sâm Ngọc Linh, người dân phải giữ, bảo vệ rừng. Và từ việc bảo vệ, giữ được rừng nên người dân cũng có được nguồn thu rất lớn từ phát triển sâm Ngọc Linh dưới các tán rừng.

Vừa qua, có câu chuyện một số nơi, một số địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để phát triển du lịch, đây là vấn đề phải được tính toán rất kỹ lưỡng. Ví dụ như việc xin chuyển đổi rừng tại vườn Quốc gia Côn Đảo, có thể địa phương có tính toán nhưng mục đích nào cũng phải hướng tới việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển rừng. Cách bảo vệ tốt nhất là phải giữ nguyên hiện trạng, không được xâm hại.

Vì dụ như ở Đà Lạt, muốn phát triển du lịch, thu hút được du khách thì phải giữ lại rừng thông, nếu phá bỏ rừng thông thì còn gì để khách đến tham quan nữa. Cố gắng biến rừng trở thành vàng thực sự chính là như vậy và chúng ta hoàn toàn có thể làm được”, vị chuyên gia cho biết.

Từ góc nhìn trên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tới vai trò của chính sách phát triển rừng, chính sách phát triển kinh tế của dân tại các khu vực có rừng cũng như chính sách quản lý là rất quan trọng. Khi người dân thấy được những lợi ích từ rừng thì họ sẽ tự bảo vệ và phát triển rừng.

Thái Bình/Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Muốn rừng là vàng thực sự thì phải bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh minh họa

Xem bài viết gốc tại đây:

https://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lam-gi-de-rung-phai-thuc-su-la-rung-vang-3442736/