Kỳ II: Cần quyết sách đồng bộ: Không để nhờn luật

Qua hơn 2 năm đi vào đời sống, Nghị định 155/2016/NĐ – CP (Nghị định 155) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Chính quyền và người dân phải làm gì để chính sách này thực sự có hiệu quả trong thực tiễn?

Đa số người dân Thủ đô mong muốn đường ngõ hẻm sạch sẽ, khu phố thông thoáng, đường sá phong quang… Nghị định 155 đáp ứng mong muốn ấy và được triển khai hơn 2 năm qua. Nhưng đến nay, các bãi rác tự phát cứ dọn sạch lại tái diễn là do những người chuyên đổ trộm rác không bị bất kỳ sự kiểm tra, xử phạt nào của cơ quan chức năng.

Bà Chu Thị Tuyết – Trưởng phòng Điều hành Sản xuất và Quản lý chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – chi nhánh Đống Đa (URENCO 4) cho biết, nạn đổ trộm xảy ra khá phổ biến trên địa bàn, trọng điểm là tuyến dải phân cách Hào Nam – Yên Lãng, điểm nóng về phế thải xây dựng và vật liệu cồng kềnh.

Rác thải cồng kềnh “vứt trộm” ra đường phố

Vấn đề là ở chỗ, rác đều do người làm thuê được chủ trả tiền vứt bừa bãi ra, ai sẽ đi phạt? Hơn nữa, người đi qua vứt rác “vèo cái” xong bỏ đi rất khó thu gom và xử lý.

Mong muốn lớn nhất của chị Tuyết cũng như những người làm công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Thủ đô là chính quyền phải vào cuộc thật quyết liệt để giải quyết vấn đề rác thải. “Chính quyền, nhân dân… đừng ai vô cảm với rác”, chị Tuyết bày tỏ.

Nội dung Nghị định 155 chỉ rõ, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn

* Ông Mai Trọng Thái – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội:Địa phương cần chủ động đưa pháp luật vào đời sống

Ở những trục đường quốc gia đã giao cho các cơ quan chủ quản, vậy tại các địa phương, đường làng, ngõ xóm, các bãi trung chuyển rác, ai đổ rác bừa bãi, hướng dẫn đội tự quản địa phương xử lý? Nghĩa là, chính quyền địa phương các cấp cần chủ động tổ chức, phải có đội trật tự ở phường (đeo biển đỏ) để răn đe người dân.

Tiếp theo, tiến tới đặt 2 thùng xanh và vàng để phân loại rác vô cơ và hữu cơ, làm như vậy người dân tự dần có ý thức hơn. Nếu làm được những việc này sẽ rất hiệu quả trong xử lý rác, mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Dù vậy, trên thực tế, phần lớn người dân cho rằng, hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Vì thế, nhiều người thiếu ý thức vẫn xả rác sinh hoạt ra đường, nơi công cộng, đổ trộm phế thải tại các ô đất trống của dự án…

Ông Trương Minh Quang – Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho rằng, trước tháng 5/2018, việc xử phạt hành chính những hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn quận rất ít (chỉ 5 – 10 trường hợp). Sau 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn quận đã xử phạt 229 trường hợp nhà hàng, quán ăn, đối tượng đổ trộm phế thải với hình thức giao cho công an quận xử phạt, đồng thời, tịch thu tang vật. “Song đối với những người dân vi phạm, chủ yếu vẫn chỉ nhắc nhở; trong trường hợp “chây ỳ” mới xử phạt chứ chưa có chế tài cụ thể” – ông Quang lý giải.

Theo ông Trương Minh Quang, quận Đống Đa đang xây dựng hệ thống camera, hiện tại, đã lắp đặt gần 500 mắt quan sát ở các ngã tư, trục đường lớn, khu chung cư… làm cơ sở để phạt nguội. Tuy vậy, đến nay, chưa có cơ chế để phạt nguội nên cũng hết sức khó khăn. Hơn nữa, sự vào cuộc của công an phường chưa thực sự quyết liệt; vẫn còn cả nể, tạo điều kiện cho dân, nên dù đã có chuyển biến nhưng ý thức toàn bộ người dân chưa được đảm bảo.

Phản ứng trước hành vi xấu gây tác hại đến môi trường và làm tổn hại đến hình ảnh Thủ đô văn minh, là hành động đúng và cần xử phạt nghiêm để chấm dứt việc làm chưa tốt. Nhưng khi Nghị định 155 đi vào thực tiễn lại gặp khó khăn lớn ở cán bộ chính quyền địa phương. Trong đó, điệp khúc “không đủ lực lượng” để thực thi xử phạt vẫn luôn được nhắc tới.

Liên quan đến vấn đề này, câu hỏi đặt ra “nếu một người đang đi đường tiện tay vứt rác xuống đường, ai là người đứng ra xử lý, có lực lượng nào đứng ra chặn hành vi này không?”. Không lẽ tại mỗi thùng rác lại cần một người của cơ quan chức năng đứng “canh”?

Do vậy, giải quyết vấn đề này phải vừa tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân vừa có biện pháp cứng rắn. Đặc biệt, cần bố trí làm điểm, làm mạnh và duy trì để người dân có ý thức hơn.

Bà Phan Thị Hảo – Phó Chủ tịch UBND TX. Sơn Tây: Mới dừng lại ở mức độ “nhắc nhở”

Thẩm quyền xử phạt theo Nghị định 155 là của xã, phường nhưng qua theo dõi thực tế ở địa phương cho thấy gần như rất ít phạt. Bởi, trên cơ sở tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, họ cơ bản chấp hành. Chỉ có một số nhà hàng kinh doanh doanh ăn uống, việc chấp hành chưa thực sự tốt. Mặc dù vậy, phường chưa xử phạt mà chỉ trên tinh thần tuyên truyền nhắc nhở.

Khải Minh – Hải Ngọc – Báo TNMT

Theo Tài nguyên & Môi trường

Ảnh: Rác thải đổ về bãi rác Xuân Sơn

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/khong-de-nhon-luat-1272861.html