Kon Tum: Cảnh hoang tàn tại dự án nghìn tỷ

(Phapluatmoitruong.vn) – Sau gần 14 năm từ ngày khởi công, Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum vẫn chỉ xây dựng được 2 khu nhà kho và vài hạng mục còn đang dang dở.

Theo tìm hiểu, năm 2009, Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng với tổng diện tích hơn 155 ha tại thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum. Dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng và công suất 130.000 tấn/năm.

Sau nhiều lần được UBND tỉnh Kon Tum gia hạn giấy phép đầu tư do chậm tiến độ, ngày 31/8/2017, chính quyền địa phương cấp thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án xuống còn 1.300 tỷ đồng và diện tích đất là 57 ha.

Đây là dự án được chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương đặt nhiều kỳ vọng đem lại động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều lần khởi công, địa điểm xây dựng nhà máy vẫn là khu đất để hoang với nhà xưởng xây dựng dở dang, hàng loạt dây chuyền máy móc thiết bị ngày càng xuống cấp.

Ngoài ra, các mục tiêu xã hội khi dự án đi vào sản xuất, như giải quyết việc làm cho khoảng 6.800 lao động; từ năm 2012 đến năm 2020 mỗi năm trồng mới trên 4.700 ha rừng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển vùng nguyên liệu; tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương… cũng đều vì thế mà hủy bỏ.

Được biết, ngày 12/5/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã ra Quyết định số 260/QĐ-UBND về việc thu hồi một phần diện tích đất (gần 100 ha) đã cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai thuê và giao Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum quản lý. Lý do thu hồi là “người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai 2013.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Môi trường và Đô thị điện tử ghi nhận được tại Dự án Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum:

 

Dự án Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai Kon Tum được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009.

Các thiết bị dây chuyền máy móc thiết bị xuống cấp.

02 khu nhà kho công nghệ cao đã được xây dựng nhưng không có dấu hiệu hoạt động

Nhiều hạng mục như tường, rào vẫn còn ngổn ngang.

Từng được kỳ vọng đem lại động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển nhưng cho đến nay dự án này vẫn đang “đắp chiếu”.

Chương Hoàng

(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Sau gần 14 năm từ ngày khởi công, cho đến nay, địa điểm xây dựng nhà máy vẫn là khu đất bỏ hoang.