Sự quan tâm của xã hội tới các vấn đề về chất lượng môi trường sống và sự khắt khe ngày càng gia tăng của hệ thống luật pháp đã dẫn đến đòi hỏi tất yếu về thông tin môi trường trong các doanh nghiệp.
Cùng với sự quan tâm của xã hội tới các vấn đề về chất lượng môi trường sống và sự khắt khe ngày càng gia tăng của hệ thống luật pháp đã dẫn đến đòi hỏi tất yếu về thông tin môi trường trong các doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, kiểm toán môi trường được nhìn nhận như là một công cụ cung cấp các thông tin về môi trường, làm cơ sở cho các đánh giá khả năng rủi ro về môi trường mà doanh nghiệp gây ra, nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp, cũng như mức độ thoả mãn đối với các tiêu chuẩn hoặc luật lệ về môi trường.
Sử dụng thông tin của kiểm toán môi trường là bản thân các doanh nghiệp, khách hàng, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, chính quyền (trung ương và địa phương), cũng như công chúng.
Kiểm toán môi trường giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khoẻ cộng đồng, và cải thiện công tác quản trị môi trường ở mức độ doanh nghiệp.
Kể từ khi Việt Nam ban hành Luật môi trường lần đầu vào năm 1993 ; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2005; Luật bảo vệ môi trường 2014; công tác quản lý và bảo vệ môi trường đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt là nhận thức của cộng đồng xã hội, vì cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường sống, môi trường làm việc và môi trường kinh doanh.
Thực tế là có rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang hướng tới một quy trình sản xuất kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ theo tiêu chuẩn “xanh, sạch”, thân thiện với môi trường và phù hợp với chiến lượng phát triển bền vững. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường được xã hội hoá với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân như các tổ chức bảo vệ môi trường, thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường…
Tuy nhiên, bên cạnh những biến chuyển bước đầu, công tác quản lý bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn còn những tồn tại nhất định như:
– Công tác quản lý và bảo vệ môi trường mới chỉ dừng lại ở hình thức xử lý sự vụ, chưa có các kiến nghị cụ thể về công tác phòng chống ô nhiễm cũng như đánh giá kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn lực, nguồn kinh phí của quốc gia cũng như của doanh nghiệp.
– Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường chủ yếu được thực hiện thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động hoặc thành lập và triển khai dự án. Tuy nhiên các báo cáo này hoặc là không được lập hoặc chỉ là hình thức cho đủ thủ tục.
– Công tác tiền kiểm chưa nghiêm, công tác kiểm tra giám sát chưa chặt chẽ thậm chí bị buông lỏng nên chủ yếu là hậu kiểm và giải quyết hậu quả, điển hình như vụ của Công ty Vedan; ô nhiễm môi trường của formosa; sông Cầu…
– Các chế tài luật pháp về môi trường chưa thực sự hiệu quả, chủ yếu là xử phạt hành chính dưới hình thức nộp phạt cho tồn tại.
Để giải quyết bài toán trên, bắt buộc phải thực hiện việc kiểm toán môi trường. Đây được xem như là một công cụ trong quản lý.
Tại điều 74, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định về kiểm toán môi trường gồm:
1. Kiểm toán môi trường là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
2. Nội dung chính của kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm:
a) Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
b) Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.
3. Khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện kiểm toán môi trường.
4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự kiểm toán môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Thảm họa môi trường do Formosa gây ra để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.