Cuốn sách Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư gồm 4 quyển, có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải, đã xác nhận rằng Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.
Cuốn sách Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư gồm 4 quyển, có một số bản đồ với những hàng chữ chú giải, do nho sinh họ Đỗ Bá, tên tự là Đạo Phủ (thường được gọi là Đỗ Bá Công Đạo) sưu tầm, biên soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653, đã xác nhận rằng Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.
Trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (quyển 1) có đề cập đến Hoàng Sa như sau: “Ở làng Kim Hồ, trên hai bên bờ sông, có hai ngọn núi, mỗi ngọn đều có mỏ vàng được khai thác dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Ở giữa biển, có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là “Bãi Cát Vàng” nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa tây – nam, các thương thuyền từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này. Điều tương tự cũng xảy ra trong mùa mưa đông – bắc cho các thương thuyền qua lại trên vùng biển.
Tất cả mọi người trên tàu bị đắm ở khu vực này thường bị chết đói. Nhiều loại thương thuyền khác nhau bị đắm trôi dạt vào đảo này. Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các Chúa nhà Nguyễn thường phái đến các đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều vàng, bạc, tiền đúc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải mất một ngày rưỡi để đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu khởi đi từ Sa Kỳ”.
Mặc dù sự mô tả địa lý trong tác phẩm chưa thật chính xác so với thực tế nhưng cũng cho thấy rõ ràng Nhà nước Việt Nam thời xưa đã chiếm hữu, chính thức khai thác “Bãi cát vàng” (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa).
Như vậy là, Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo sưu tập, soạn vẽ và chính thức hoàn thành theo lệnh của chúa Trịnh những năm niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) có thể coi là văn kiện của nhà nước, một tài liệu chính thức của quốc gia.
Những thông tin thể hiện trong bộ “đồ thư” này cho thấy rõ ràng cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra khu vực các quần đảo ở giữa Biển Đông. Tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo san hô là “Bãi cát vàng”, rồi chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” để sử dụng chính thức trong các văn kiện, tài liệu của triều đình thời Lê và Nguyễn, như trong Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ, tên gọi này được dùng để chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay.
Trường Sa và Hoàng Sa được ghi chép khá kỹ trong một số thư tịch cổ và được thể hiện rõ ràng trong các châu bản (văn bản quản lý hành chính nhà nước của triều đình nhà Nguyễn). Kể tên một số bộ sách và các châu bản tiêu biểu?
Có thể kể ra một số tài liệu lịch sử, địa lý tiêu biểu như:
– Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo gồm 4 quyển, nhiều bản đồ và chú giải được biên soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653, xác nhận việc Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.
– Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, viết tại Phú Xuân (Huế) khi ông được vua Lê – chúa Trịnh phái đi trấn nhậm Thuận Hóa, Quảng Nam vào năm 1776. Bộ sách gồm 6 phần viết về xứ Đàng Trong, nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam từ thế kỷ XVIII trở về trước, thời gian chúa Nguyễn trị vì, trong đó miêu tả khá chi tiết về quần đảo Hoàng Sa. Các sử thần trong Quốc sử quán triều Nguyễn khi biên soạn bộ sách Đại Nam thực lục tiền biên đã sử dụng lại nhiều tài liệu trong bộ Phủ biên tạp lục.
– Một số bộ sử khác của triều Nguyễn, như:
+ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ, trong đó có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực (về cơ bản cũng giống như Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu).
+ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, gồm 49 quyển được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống như trong sách Phủ biên tạp lục.
+ Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý – lịch sử của Nguyễn Thông, có đoạn chép về Vạn lý Trường Sa, nói về đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa, như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa…
+ Châu bản triều Nguyễn (các văn bản hành chính có bút phê của Vua vào thế kỷ XIX) hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội) có nhiều bản tấu của đình thần bộ Công và một số cơ quan khác, chỉ dụ của các vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, trong tài liệu châu bản triều Nguyễn có một số châu bản thời Minh Mệnh (1820 – 1840), Thiệu Trị (1841 – 1847) đề cập chi tiết tới nhiều sự kiện liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam.
+ Đại Nam nhất thống chí là bộ sách địa lý chính thức của triều Nguyễn, gồm 28 tập với 31 quyển, do Quốc Sử quán triều Nguyễn thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được nói đến trong quyển 8.
+ Nam Hà tiệp lục của tác giả Lê Đản là cuốn sách chép sử thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từ gốc tích đến năm Gia Long thứ 3 (1804). Tác giả đã miêu tả khá nhiều về Hoàng Sa. Ngoài ra, trong sách cũng cung cấp nhiều tư liệu ghi chép ở Đàng Trong về Hoàng Sa khá phong phú, như trong đoạn nói về việc hàng năm có 18 chiếc thuyền ra Hoàng Sa để thu nhặt hóa vật ở đây. Nam Hà tiệp lục đã cung cấp thêm một tư liệu lịch sử minh chứng chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn.
Lịch sử Đông Tây từ xưa đến nay cho thấy, chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia. Vì vậy, quá trình phát triển của mỗi dân tộc đã hình thành ý thức về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những cứ liệu lịch sử đã được công bố là căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã làm chủ thực sự muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục và hòa bình.
Chủ quyền biển đảo nói chung, chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là một vấn đề rộng lớn, phức tạp. Những tư liệu được hệ thống và công bố trong cuốn sách Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư là tiền đề cho nghiên cứu tiếp theo, góp phần thiết thực cho quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu khoa học vì sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.
TS.LS Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. TL