Hố đen trẻ ngay sát thiên hà chứa Trái đất

Hố đen mới phát hiện cách Trái đất 160.000 năm ánh sáng và có khối lượng gấp 11 lần Mặt trời.

Các nhà thiên văn học tìm thấy hố đen này qua kính thiên văn rất lớn VLT của đài quan sát phía nam Châu Âu ở Chile. Họ đã quan sát được cách trọng lực của hố đen ảnh hưởng đến chuyển động của một ngôi sao gần đó. Ngôi sao này có khối lượng gấp 5 lần Mặt trời.

Hố đen mới phát hiện ẩn náu trong thiên hà Đám Mây Magellanic Lớn, một thiên hà vệ tinh của Dải Ngân hà. Khám phá được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

Trưởng nhóm nghiên cứu Sara Saracino cho biết: Họ đang xem xét từng ngôi sao trong cụm này trong nỗ lực tìm kiếm một số bằng chứng về sự hiện diện của hố đen nhưng không trực tiếp nhìn thấy chúng.

Phát hiện hố đen ở Đám Mây Magellanic Lớn là lần đầu tiên các nhà thiên văn học tìm thấy một hố đen trẻ trong cụm sao trẻ, mới khoảng 100 triệu năm tuổi, là giai đoạn sơ khai khi so sánh với phần còn lại của vũ trụ. Trong tương lai, các nhà thiên văn học có thể sử dụng phương pháp này để tìm những hố đen trẻ khác trong vũ trụ để hiểu về sự tiến hóa của chúng và so sánh chúng với những hố đen lớn hơn trong các cụm sao già hơn để xem hố đen lớn lên như thế nào theo thời gian.

Dù hố đen vũ trụ rất khó phát hiện nhưng lại có xu hướng để lộ ra sự hiện diện của mình qua các tia X phát ra khi nuốt chửng vật chất xung quanh, tạo ra sóng hấp dẫn khi đâm vào nhau hoặc va chạm với các sao neutron.

Bảo Ngọc

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Một hố đen vũ trụ và một ngôi sao quay quanh hố đen. Ảnh: ESO/M.Kornmesser