Hạ nguồn dòng Mê Kông đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt

Lượng nước ngọt từ thượng nguồn dòng Mê Kông đổ về khu hạ nguồn giảm so cùng kỳ các năm trước khiến việc sản xuất của người dân gặp khó khăn.

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi hạ nguồn của dòng Mê Kông trước khi đổ ra biển. Thời gian gần đây, lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về khu hạ nguồn giảm so cùng kỳ các năm trước.

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, khu vực ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ khan hiếm nguồn nước ngọt và hạn mặn tấn công. Đây là vấn đề đặt ra đối với Chính quyền và nhân dân trong vùng.

Nhiều ngày nay, dù còn thời điểm mùa mưa nhưng nhiều nông dân ở các xã vùng ven của Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang phải tốn tiền bơm nước từ kênh trục vào mương vườn thay vì trước đây chỉ xẻ rảnh cho nước tràn vào.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, nông dân chuyên trồng hoa kiểng, rau màu ở ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho cho biết, ở thời điểm này mực nước trên kênh nội đồng giảm nhiều so với các năm trước. Ông cũng như nhiều nông dân địa phương phải bơm nước vào ruộng.

“So với năm trước, nước thấp hơn khoảng 0,5 mét. Khi nước lớn, 4-5 ngày phải bơm nước lên xài, chứ đâu để cạn. Cạn nước thì tưới máy đâu có được. Nước mặn lên thì đóng 2 cống Bảo Định và Gò Cát sẽ cạn kiệt. Nước đang khan hiếm, bây giờ tôi không biết làm sao nữa”, nông dân Nguyễn Văn Lĩnh than thở.

Sông Tiền thuộc hạ lưu dòng Mê Kông dòng chảy từ thượng nguồn “yếu” so trước đây.

Chỉ trong một tháng qua, tại các tuyến kênh Hai, kênh Năng, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang xảy ra 2 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng do tàu thuyền bị “mắc cạn”. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nước triều xuống quá thấp, đáy kênh cạn, phương tiện thủy không thể lưu thông.

Qua đo đạc, lấy mẫu nước trên sông Tiền của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang cho biết, hiện tại mực tại Thành phố Mỹ Tho là 0,94 mét thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 0,43 mét, ở các khu vực khác của sông Tiền mực nước cũng thấp hơn năm ngoái từ 0,2-0,3 mét. Đáng lưu ý là khu vực sông Tiền cách biển 20 km vào thời điểm này độ mặn của năm ngoái là 0 phần nghìn nhưng hiện nay độ mặn là 2,3 phần nghìn.

Khu vực chân cầu Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre bị cạn dần.

Ông Võ Văn Thông Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang nhận định, chính lượng nước từ thượng lưu sông Mê Kông đổ về giảm nên mặn tấn công.

“Nước trên thượng nguồn đổ về ít làm cho độ mặn càng lấn sâu vào nội đồng, làm cho sản xuất của bà con ở khu vực ngọt hóa Gò Công hay khu vực trồng cây ăn trái ở phía Tây sẽ bị ảnh hưởng. Thứ 2 năm nay là năm bị ảnh hưởng của hiện tượng Elnino nên mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa không nhiều nên tình hình khô hạn sẽ xảy ra. Trước tình hình vậy nên khuyến cáo bà con nên tích nước, hệ thống cống đập cần phải gia cố để ngăn mặn; đồng thời đào những kênh đang nông sâu xuống càng nhiều càng tốt để chứa nước”, ông Võ Văn Thông khuyến cáo.

Cống Ba Lai, tỉnh Bến Tre có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt.

Tại các địa phương ven biển của ĐBSCL như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…đang đứng trước áp lực nước mặn tấn công khi dòng chảy từ thượng nguồn dòng Mê Kông về càng “yếu”. Hệ lụy xảy ra khi hạn mặn tấn công là điều không thể lường trước được, nhất là sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt mùa khô.

Tại xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang- nơi đầu nguồn của vùng ĐBSCL, hiện nay nông dân đang mong chờ lũ về để mang phù sa về phục vụ sản xuất.

Nhiều kênh mương nội đồng tại Tp. Mỹ Tho, Tiền Giang mực nước kém gây ô nhiễm nặng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú lo lắng vì nước triều hiện ở mức thấp: “Nước năm nay thì thấy còn nhỏ, chưa có nước. Mọi năm tháng này nước lên đồng rồi, mà nay còn khô cạn. Bây giờ nếu không có nước sản xuất thấy mệt lắm, khổ lắm. Vì không có nước đất không có phù sa gì đâu, bị khô hạn rồi. Đất có phù sa làm lúa mới trúng, mới có năng suất”.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho biết, thời điểm này đúng ra phải là đầu mùa nước nổi ở ĐBSCL. Sông Mê Kông đổ nước về, mang theo phù sa, tôm cá; nhưng hiện nay mực nước sông Mê Kông đoạn đi qua Thái Lan đang thấp chưa từng có từ trước đến nay.

Trên kênh Năng, huyện Tân Phước Tiền Giang có nhiều khu vực đáy kênh bị cạn.

Theo ông Thiện, nguyên nhân mực nước thấp là do lượng mưa ít từ đầu năm đến nay, và tình trạng El Nino sẽ kéo dài thêm từ 1 đến 2 tháng nữa mới chuyển sang ENSO trung tính, nên lượng mưa sẽ còn thấp. Nếu như mùa nước nổi năm nay không về ĐBSCL thì bà con nuôi thủy sản mùa lũ sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nếu mùa lũ không về thì nguồn thủy sản tự nhiên sẽ giảm, cuộc mưu sinh của nhiều người dân đánh bắt thủy sản tự nhiên sẽ gặp khó khăn.

Tàu thuyền mắc cạn la liệt trên kênh Hai, huyện Tân Phước Tiền Giang do thủy triều thấp.

Một ảnh hưởng nữa đó là khi dòng sông Mekong yếu thì lượng phù sa về năm nay sẽ rất ít, đồng bằng sẽ càng thiếu hụt phù sa bùn cát và gia tăng sạt lở trong những năm sau.

“Kinh nghiệm cho thấy như năm 2016 thì ít có biện pháp nào để đối phó với những năm khô hạn cực đoan. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng ngăn mặn vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn không tác dụng. Trong những năm khô hạn, mưa ít và sông Hậu rất yếu thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong. Riêng đối với nước sinh hoạt thì ngành chức năng cần thông báo sớm cho người dân để tích cực chuẩn bị trữ nước cho sinh hoạt bằng các dụng cụ trong gia đình và các ao, mương gia đình hoặc cộng đồng để chuẩn bị nước cho mùa khô tới đây”, ông Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Người dân vùng ĐBSCL mong chờ lũ về để mưu sinh mùa nước nổi.

Trước thực trạng này, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động ứng phó khi dòng nước chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông có sự thay đổi bất lợi, nước mặn tấn công. Đáng ghi nhận là tỉnh Bến Tre vừa đưa vào hoạt động Hồ chứa nước ngọt Ba Tri có diện tích 60 ha, cung cấp nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của khoảng 200.000 người dân ven biển; có kế hoạch nạo vét sông Ba Lai để trữ nước ngọt…

Nông dân trồng cây ớt thương phẩm tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo xót xa nguồn nước ngọt khan hiếm.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt và hạn mặn tấn công, thành phố Cần Thơ đã bố trí một số trung tâm quan trắc tự động, những thông tin về mặn được cập nhật liên tục và thông báo đến người dân khi có hạn mặn xảy ra.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hệ thống điều tiết thủy lợi Ô Môn – Xà No của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư để bảo vệ hơn 19.000ha đất nông nghiệp, khi có hạn mặn địa phương sẽ lập kế hoạch để vận hành. Ông Ninh cũng cho rằng, địa bàn TP.Cần Thơ chịu sự chi phối trực tiếp của dòng nước từ Sông Hậu. Khi nguồn nước thượng nguồn đổ về giảm, lũ không về, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến địa bàn thành phố.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri, tỉnh Bến Tre ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta thường gọi là mùa nước nổi ở ĐBSCL. Mùa nước nổi có nhiều yếu tố tích cực mang lại cho đồng bằng, đặc biệt là vấn đề phù sa và thủy sản. Khi lũ không còn về đồng bằng thì cần phải nghiên cứu những tác động rất tiêu cực tới đồng bằng này. Việc hình thành của đồng bằng này cũng xuất phát từ những yếu tố lịch sử, là chuyển tải lượng phù sa từ thượng nguồn bồi đắp về”, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn TP Cần Thơ nói.

Đài khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay, tổng lượng nước trên lưu vực thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-70%. Ngoài ra, mực nước tại tất cả các trạm trên dòng chính của sông Mê Kông đều thấp dưới mực nước trung bình nhiều năm từ 2-7 mét.

Đối với khu vực đầu nguồn sông Cửu Long còn chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều biển Đông. Tại sông Tiền, thuộc Tân Châu, tỉnh An Giang mực nước thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 1,0-1,5 mét.

Theo thông tin từ Ủy Ban sông Mê Kông Việt Nam, tại khu vực thượng nguồn của dòng chính Mê Kông đã và đang xây dựng 11 công trình thủy điện tập trung ở các nước: Lào, Thái Lan và Campuchia.

Chỉ riêng Lào đã và đang tiến hành xây 3 công trình thủy điện. Do đó, vấn đề khan hiếm nguồn nước ngọt, nước mặn tấn công vùng hạ lưu dòng Mê Kông tức là vùng ĐBSCL trong thời gian tới là không tránh khỏi.

Ngay từ bây giờ, chính quyền, ngành chức năng và người dân trong vùng phải tiếp tục tăng cường các biện pháp chủ động ứng phó một cách có hiệu quả để giảm thiệt hại do khan hiếm nguồn nước ngọt và hạn mặn tấn công.

Theo VOV.VN

Ảnh: Sông Tiền, một nhánh chính của dòng Mê Kông.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://vov.vn/xa-hoi/ha-nguon-dong-me-kong-dung-truoc-nguy-co-thieu-nguon-nuoc-ngot-940795.vov