Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được Hà Nội triển khai thực hiện, tuy nhiên, để giảm phát thải ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chỉ khi mỗi người dân, doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế được các tác nhân gây ô nhiễm khi đó mới góp phần giảm thải khí nhà kính.
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2015 tổng phát thải khí nhà kính của Hà Nội là 18,18 triệu tấn, tập trung ở 5 lĩnh vực: Năng lượng (gồm cả giao thông vận tải); các quá trình công nghiệp; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng; chất thải.
Trong đó lĩnh vực năng lượng có tỷ lệ cao với 12,17 triệu tấn phát thải, dự báo năm 2030 tăng lên 42,74 triệu tấn, sử dụng điện trong dân sinh chiếm tỷ lệ cao nhất với 52%; phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 3,27 triệu tấn (2015), phát thải trong lĩnh vực chất thải 2,57 triệu tấn (2015), dự báo năm 2030 là 4,72 triệu tấn, trong đó phát thải CH4 từ bãi chôn lấp rác thải rắn chiếm tỷ lệ 43,2%. Trong hoạt động công nghiệp, tổng lượng phát thải khí nhà kính trên địa bàn Thành phố chủ yếu từ sản xuất xi măng khoảng 171.7 nghìn tấn CO2 (chiếm 100%).
Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, từ năm 2016 thành phố Hà Nội đã tiến hành thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính. Theo đó, cùng với đề xuất các nhóm giải pháp trong hoạt động chôn, đốt rác thải, nước thải công nghiệp, sinh hoạt, hoạt động chăn nuôi, Thành phố còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, triển khai các dự án hạn chế phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch…
Ngoài triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu khí nhà kính, thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về hành động thích ứng và giảm nhẹ gắn với các nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi.
Đặc biệt, trên địa bàn Thành phố triển khai một số hoạt động nhằm giảm ô nhiễm không khí như thực hiện mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ và phấn đấu đến năm 2020, không còn tình trạng đốt rơm, rạ trên địa bàn Thành phố; loại bỏ bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; thực hiện Chương trình 1 triệu cây xanh; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm…
Còn trong công tác tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn chất thải ô nhiễm môi trường, trên địa bàn Thành phố đã đưa vào vận hành các trạm quan trắc không khí, quan trắc môi trường nước…
Cần nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp
Bên cạnh đó với mục tiêu xây dựng kế hoạch hành động nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu với các cam kết giảm thiểu khí nhà kính, thành phố Hà Nội và tổ chức C40 (một mạng lưới của các Thành phố lớn trên toàn thế giới) đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm giúp hai bên có cơ sở hợp tác hiệu quả hơn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2019, tổ chức C40 đã cử chuyên gia quốc tế và trong nước, cố vấn kỹ thuật của tổ chức C40 phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thu thập số liệu, rà soát các chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động có liên quan về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho thành phố Hà Nội.
Trong đó sử dụng mô hình Pathways để cung cấp phân tích chiến lược giúp Thành phố xác định các hành động giảm nhẹ khí nhà kính cũng như các hành động ưu tiên; giúp Thành phố nhanh chóng nhìn rõ tác động giảm nhẹ của các chính sách và dự án đề xuất cũng như giúp xây dựng và so sánh các kịch bản khác nhau, xác định con đường tiến tới phát thải bằng không.
Cùng với đó, hưởng ứng các kế hoạch hành động của Thành phố, tại một số khu dân cư đã phát động các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, từ đó nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm tình nguyện được hình thành góp phần làm cho thành phố sạch hơn, văn minh hơn. Những việc làm tình nguyện đó giúp lan tỏa lối sống đẹp và thu hút ngày càng nhiều người chung tay bảo vệ môi trường, tuy nhiên phong trào này chưa phát triển rộng khắp ở các địa phương.
Do đó công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân một phần do nhận thức hạn chế của người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế nhiều nơi chưa quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường nên rất ít mô hình sản xuất, tiêu dùng chú trọng đến phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Vì vậy việc nâng cao nhận thức, huy động cộng đồng, doanh nghiệp chung tay trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Bởi chỉ khi các giải pháp được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, ý thức cộng đồng được nâng cao thì mới hạn chế được tác nhân gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…
Theo Lao Động Thủ Đô
Ảnh: Thời gian qua Hà Nội đã áp dụng công nghệ tiên tiến để làm sạch nước sông Tô Lịch.
Xem bài viết gốc tại đây:
https://laodongthudo.vn/giam-phat-thai-khi-nha-kinh-can-su-chung-tay-cua-cong-dong-113248.html