Giải quyết bài toán môi trường ở làng nghề tái chế phế liệu

Đến xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ngày nay là sự sầm uất của làng nghề, những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cũng chính nó đang đe dọa, ảnh hưởng tới tương lai của người dân nơi đây, nếu như việc phát triển làng nghề không được quy hoạch một cách bền vững.

Từ đầu làng đến cuối xã, những đống phế liệu được chất cao ngun ngút, trải dài theo những con đường liên thôn, trong sân của các gia đình… khiến cho người ta không khó để nhận ra nghề tái chế phế liệu hiện đang rất phát triển tại xã.

Nghề tái chế phế liệu, sản xuất tăm hương của làng đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Người làm nghề của làng quanh năm tất bật với công việc thu gom, tái chế, phế liệu sau khi được thu gom về người dân nơi đây đem phân loại, rửa sạch đưa vào máy cán thành hạt nhựa và xuất bán.

Trước sự phát triển mạnh của làng nghề, lợi nhuận từ công việc đã thôi thúc người dân phát triển và mở rộng quy mô sản xuất đến chóng mặt, trong đó cũng có nhiều nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của làng khi các cơ sở thiếu tuân thủ nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất, xả thải các thất thải chưa qua xử lý ra môi trường… Đặc biệt trước đây, tại làng nghề liên tục xuất hiện tình trạng đốt trộm phế liệu gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh vùng.

Để hạn chế sự ảnh hưởng tới môi trường, năm 2018, công tác thu gom vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã được Công ty cổ phần đầu tư rau sạch Sông Hồng tiếp nhận thu gom và vận chuyển. Đến nay, việc thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt đã được công ty duy trì, đảm bảo lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển đi xử lý đạt trên 90% .

Tuy nhiên, công tác xử lý rác thải phế liệu nhựa ở thôn Xà Cầu vẫn chưa có phương án và giải pháp hiệu quả. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với tổ công tác xử lý vi phạm môi trường của huyện, tổ chức kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh tái chế phế liệu ở thôn Xà Cầu về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh và chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 27 hộ thu gom tái chế phế liệu ở thôn Xà Cầu. Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu xử lý rác thải từ hoạt động tái chế phế liệu ở thôn Xà Cầu, vẫn xảy ra tình trạng đổ, đốt rác làm ảnh hưởng đến môi trường các khu vực lân cận.

Chia sẻ về những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã, ông Lê Văn Dịu – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2019, chính quyền xã Quảng Phú Cầu phấn đấu trên 90% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và tập kết đúng nơi quy định; có giải pháp xử lý rác thải làng nghề và rác thải công nghiệp.

Đồng thời chính quyền xã tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án mở rộng cụm công nghiệp Xà Cầu và Cầu Bầu. Tạo các cơ chế thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất làng nghề; tích cực tuyên truyền để nhân dân chủ động thực hiện các phương án sản xuất an toàn, có các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm từ khói, bụi, nguồn nước, không khí nhằm cải tạo môi trường trong sản xuất, bảo vệ sức khỏe người lao động và nhân dân địa phương.

Hoa Nguyễn – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Những bao tải phế liệu được xếp thành hàng dài ven bờ sông tại xã Quảng Phú Cầu

Xem bài viết gốc tại đây:

http://laodongthudo.vn/giai-quyet-bai-toan-moi-truong-o-lang-nghe-tai-che-phe-lieu-89006.html