Gia Lai: Phát hiện bãi đá tặc khổng lồ

Một bãi đá khổng lồ tồn tại trong vườn cà phê của người dân, ước tính lên đến cả ngàn mét vuông. 

Theo nguồn tin PV nhận được, điểm khai thác đá này nằm phía trong làng Phăm Ngol 1, xã Bar Măih, huyện Chư Sê. Nơi đây còn có ba điểm khai thác nhỏ, mỗi điểm rộng từ 300-600m2, tại mỗi điểm có hàng trăm khối đá cục đang được chờ chẻ thành đá móng và đá loca (đá hộc). Đây là những loại sản phẩm được thị trường đón nhận và tiêu thụ nhiều. Ngoài ra, tại hiện trường còn ghi nhận hàng trăm cây đá được xếp gọn gàng chờ xuất đi.

Theo quan sát tại bãi đá khổng lồ, đá được khai thác xếp từ vườn cà phê xuống tới mép suối, ước tính số lượng rất lớn. Có thể thấy, bãi đá này được khai thác từ rất lâu và điều này cũng đã được nhiều người dân nơi đây xác nhận.

Đá cây được xếp gọn gàng chờ xe đến chở.

Tại thời điểm ghi hình, nhóm PV ghi nhận có hàng trăm khối đá cục mới được múc từ lòng đất lên, một máy xúc ký hiệu E300, biển kiểm soát 81XA1002 và vài chục khối đá móng đang chờ chuyển đi.

Các sản phẩm đá được để lẫn lộn với nhau, chứng tỏ thời gian khai thác đá đã từ rất lâu.

Trao đổi với ông Trần Minh Nhật – Chủ tịch UBND xã Bar Măih, chúng tôi được biết thêm: “Bãi đá này cũng khai thác từ trước, nhưng đến chiều ngày 19/6, xã đã cùng với lực lượng Công an huyện và phòng Tài nguyên & Môi trường huyện tiến hành lập biên bản về vấn đề khai thác này. Thời điểm lập biên bản, không bắt được quả tang  chỉ có mỗi người lái máy xúc thuê. Hiện biên bản đang được phòng Tài nguyên & Môi trường huyện giữ để báo cáo lên cấp trên”.

Lán trại của những người đánh đá thuê.

Trước đây, tại bãi đá cũng đã xuất hiện tình trạng khai thác lậu, sau đó cho đấu giá quyền khai thác tận thu đá thành phẩm.

Theo những người thạo nghề đá lậu, bãi đá này ước tính có trữ lượng đá trải rộng theo con suối lên đến vài ha, với độ sâu từ 3-5 mét dưới lòng đất. Nó được đánh giá cao về mặt giá trị nên bị đá tặc “canh me” khai thác khắp nơi, khiến cho địa phương mất đi một khoảng tài nguyên khoáng sản lớn mà chưa có biện pháp gì bảo vệ.

Mai Trung – Chương Hoàng

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Bãi đá lậu có diện tích hàng ngàn mét vuông bị đào xới trong một thời gian dài mới bị phát hiện.