Dừng thủy điện nhỏ lấy rừng tự nhiên: Không băn khoăn!

Nhiều tỉnh thành đang tiến hành rà soát lại những dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn, quyết dừng thủy điện nhỏ chưa triển khai.

Ngày 28/12/2020, trao đổi với Đất Việt, ông Phan Hùng Sơn – Phó Giám đốc Sở Công thương Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản của Bộ Công thương về việc đề nghị dừng các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư, rà soát lại những dự án thủy điện nhỏ đang đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ Công thương, Sở Công thương Thừa Thiên – Huế đã triển khai nghiên cứu và đang thực hiện làm đề xuất UBND tỉnh thực hiện theo đề nghị của Bộ Công thương.

“Việc dừng triển khai dự án thủy điện có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư là đúng. Nhưng làm sao phải đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, để vừa thu hút được đầu tư nhưng cũng vừa đảm bảo lợi ích của người dân” – ông Sơn bày tỏ.

Theo ông Sơn, vì Sở đang làm đề xuất gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt nên trước mắt chưa gặp khó khăn gì trong việc thực hiện dừng thủy điện nhỏ.

Tuy nhiên, điều khiến ông Sơn băn khoăn là việc các dự án này khi được phê duyệt đã đảm bảo các quy định của pháp luật nay cho dừng triển khai thì cần phải có lý do phù hợp để khiến nhà đầu tư “tâm phục khẩu phục” nghe theo mà không mất lòng, bỏ đi nơi khác.

Đối với dự án thủy điện nhỏ đang triển khai, ông Sơn cho biết, sẽ kiểm tra kỹ quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư xem có đúng theo quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt hai không.

“Phải xem xét cả quá trình thực hiện dự án của nhà đầu tư. Có khi những dự án thủy điện nhỏ khi phê duyệt thì đảm bảo các yêu cầu đề ra nhưng khi thực hiện thì có sai phạm, nếu sai phạm này gây ảnh hưởng tới người dân, lấy đất rừng tự nhiên… thì phải kiên quyết dừng. Đó là điều không có gì phải băn khoăn” – ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cho biết, đơn vị chưa nhận được văn bản của Bộ Công thương về việc dừng các dự án thủy điện nhỏ chưa đầu tư mà bản thân ông chỉ nắm được nội dung văn bản này qua một số thông tin báo chí.

Tuy vậy, trước khi có văn bản đề nghị của Bộ Công thương, Sở Công thương Quảng Nam đã chủ động làm đề xuất gửi UBND tỉnh về việc xử lý các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn.

Hành động này xuất phát từ việc nhiều sự cố từ thủy điện nhỏ xảy ra trong thời gian qua khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng, dư luận xã hội phản ứng gay gắt.

Còn tại Kon Tum đang lên kế hoạch thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ đầu tư trong xây dựng, quản lý, vận hành đối với 16 công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trong năm 2021.

Cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum sẽ thanh, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện đầu tư dự án thủy điện; Công tác quản lý chất lượng công trình; Kiểm tra sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tận thu khoáng sản; Việc thực hiện phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi mục đích để thực hiện dự án; Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, môi trường; Công tác phòng chống lụt bão, công tác an toàn và phòng chống cháy nổ…

Vừa qua, nhiều công trình thủy điện ở tỉnh Kon Tum đã tích nước trái phép gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân vùng hạ du. Cơ quan chức năng đã kiểm tra và ra nhiều quyết định xử phạt, tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án thủy điện ở đây vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Ngọc Vân – Báo Đất Việt

Theo Đất Việt

Ảnh: Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 mới xảy ra sự cố tại Thừa Thiên – Huế.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dung-thuy-dien-nho-lay-rung-tu-nhien-khong-ban-khoan-3425102/