Không chỉ tồn tại nhiều quy định bất hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định về Luật Bảo vệ môi trường còn được cho chưa có khung pháp lý quản lý khoản tiền… “đóng góp”.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngoài những quy định bất hợp lý, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường (Dự thảo) còn vướng phải không ít ý kiến phản đối về Văn phòng EPR Việt Nam và Hội đồng EPR khi những quy định này không có trong Luật Bảo vệ môi trường, làm tăng quy chế, biên chế hoạt động, không phù hợp với các Luật hiện hành cần bãi bỏ.
Không chỉ có vậy, theo cộng đồng doanh nghiệp, về các khoản “đóng góp” từ doanh nghiệp, Dự thảo cũng chưa có khung pháp lý quản lý khoản này. Đáng nói, theo quy định của Dự thảo: “Hội đồng EPR quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp” là không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, cách gọi “đóng góp” chứ không gọi là “phí” trong Dự thảo cũng được cho là để né Luật quản lý phí và lệ phí? Bên cạnh đó Dự thảo cũng không có quy định về việc nếu không hoàn thành trách nhiệm tái chế thì quỹ có chịu trách nhiệm trước pháp luật không?
Chưa kể, tiền doanh nghiệp “đóng góp” để tái chế sản phẩm, bao bì được dùng vào các mục đích khác như trả kinh phí hoạt động của Văn phòng EPR, nghiên cứu giải pháp tái chế… là sai mục đích, và trái Luật Bảo vệ môi trường.
Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp quan ngại, với các quy định này nếu được thông qua, tiền doanh nghiệp vẫn phải nộp mà môi trường vẫn bẩn.
Trong văn bản góp ý, kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng các Bộ ngành liên quan, các Hiệp hội doanh nghiệp cũng chỉ rõ, điểm b khoản 3 Điều 83 quy định: “…nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp tiền “đóng góp” tài chính hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam”.
Thế nhưng, chưa có khung pháp lý quản lý khoản đóng góp này, trong khi, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt nam được thành lập và quản lý theo Quyết định 78/2014/QĐ-TTg, tại Điều 2 chỉ có chức năng “cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động, nhiệm vụ Bảo vệ môi trường” mà không có chức năng chi trả cho hoạt động tái chế, và cũng chưa có khung pháp lý để quản lý chức năng này.
Vì vậy, các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, nếu gọi là “đóng góp” thì nên thêm vào điều 83 quy định “Khoản đóng góp này được quản lý theo các quy định về quản lý phí trong Luật quản lý phí, lệ phí, và được giữ lại hoàn toàn ở Quỹ Bảo vệ môi trường để chi trả cho hoạt động tái chế” hoặc sửa đổi quyết định 78/2014/QĐ-TTg để bổ sung chức năng và cơ chế quản lý thu chi cho Quỹ Bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội doanh nghiệp cũng chỉ ra các tồn tại, bất cập liên quan đến Điều 83 và Điều 86 của Dự thảo.
Cụ thể, trong khi khoản 4 Điều 83 quy định “Văn phòng EPR, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức thực hiện tái chế cho các nhà sản xuất, nhập khẩu đã đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam” thì khoản 1 Điều 86 lại quy định “Cơ quan, tổ chức… có nhu cầu được hỗ trợ tài chính cho hoạt động xử lý chất thải… thì lập hồ sơ đề nghị gửi về Văn phòng EPR… để được xét duyệt hỗ trợ”.
Theo các Hiệp hội doanh nghiệp, việc xét duyệt hỗ trợ mà không có quy định rõ ràng sẽ dễ biến thành cơ chế xin-cho và sử dụng sai mục đích. Chưa kể, thu thì thực hiện theo định mức chi phí thực tế, nhưng chi để tái chế, bảo vệ môi trường lại chỉ ở mức hỗ trợ. Như vậy làm sao thực hiện được đầy đủ mục đích tái chế, bảo vệ môi trường?
Từ đó, các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, phải có quy định rõ ràng về tiêu chí xét duyệt hỗ trợ, tránh cơ chế xin-cho; Thu chi phải giống nhau, chi để tái chế phải đúng theo định mức chi phí thực tế.
Ngoài ra, khoản Điều 84 (bổ sung) quy định, tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam quy định tại Điều 83 Nghị định này được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động tái chế sau đây: a) Phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Nghị định này; b) Nghiên cứu, phát triển giải pháp, công nghệ, kỹ thuật, sáng kiến phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Nghị định này.
Các Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, tiền doanh nghiệp đóng góp để tái chế sản phẩm, bao bì được dùng vào các mục đích khác như nghiên cứu giải pháp tái chế, là sai mục đích, và trái Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, các Hiệp hội đề nghị bỏ mục b của Dự thảo.
Cũng tại Điều 84 (bổ sung), khoản 4 quy định, Hội đồng EPR quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Theo các Hiệp hội doanh nghiệp, quy định này không chỉ không phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà việc doanh nghiệp nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng Hội đồng EPR, Văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi, tự đặt ra quy định giám sát quản lý thì giống như việc hùn vốn cho 1 công ty gia đình mà cả Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và Thủ quỹ đều là người của gia đình đó cử ra.
“Dám hùn vốn như thế chỉ có người chơi hụi vì ham lãi cao (mà Nhà nước cấm). Vậy tại sao Dự thảo lại bắt cả hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải nộp tiền (không lãi mà chỉ có tiêu đi) cho một tổ chức không có khung pháp lý để quản lý như thế?”, các Hiệp hội quan ngại.
Các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần quy định quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu ngay trong Nghị định này hoặc quy định “Khoản đóng góp tài chính để tái chế sản phẩm, bao bì được quản lý theo các quy định về quản lý phí trong Luật quản lý phí, lệ phí, và được giữ lại hoàn toàn ở Quỹ Bảo vệ môi trường để chi trả cho hoạt động tái chế”.
Liên quan đến những nội dung đã nêu, trong Báo cáo thẩm định Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường số 154/BCTĐ-BTP ngày 06/10/2021, Bộ Tư pháp cũng đề nghị làm rõ chức năng của Hội đồng EPR có được thực hiện quản lý và sử dụng tiền đóng góp.
Cùng với đó, để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng đề nghị rà soát kỹ toàn bộ nội dung Dự thảo để đảm bảo quy định đúng, hạn chế việc tiếp tục ủy quyền cho các Bộ, ngành.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Ảnh: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường khiến cộng đồng doanh nghiệp quan ngại về tính minh bạch trong khoản tiền đóng góp – Ảnh minh họa