Điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với việc kinh doanh xăng dầu

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; địa điểm kinh doanh xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm xây dựng.

Hỏi:Thưa Luật sư, xin Luật sư cho biết về điều kiện về phòng cháy, chữa cháy đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu?

(Minh Tuyết, Hà Giang)

Luật sư trả lời:

1. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; địa điểm kinh doanh xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận địa điểm xây dựng. Thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như: QCVN 01:2013/BCT – Yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu; QCVN 07-6:2016/BXD – Các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình cấp xăng dầu, khí đốt; TCVN 5684:2003 – An toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ – Yêu cầu chung; TCVN 3890:2009 – Phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng… Trong quá trình hoạt động, cơ sở kinh doanh xăng dầu phải duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

2. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì tùy theo hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính của Chính phủ, cụ thể:

– Hành vi: “Bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa khác” quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

+ Hành vi: “Bán xăng dầu qua các trụ bơm xăng dầu tự động hoặc cột bơm di động (nhưng không phải cột bơm mini) mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép” quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định số 67/2017/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính.

+ Hành vi: “Kinh doanh chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép” quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 31 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ./.

Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Hệ thống chữa cháy phù hợp cho kho chứa xăng dầu và chất lỏng dễ cháy