Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Điều 20 và 21 Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 qui định về di sản thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên gồm:
Điều 20. Di sản thiên nhiên
1. Di sản thiên nhiên bao gồm:
a) Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản; danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản văn hóa được xác lập theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
b) Di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận;
c) Di sản thiên nhiên khác được xác lập, công nhận theo quy định của Luật này.
2. Việc xác lập, công nhận di sản thiên nhiên thuộc điểm c khoản 1 Điều này căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:
a) Có vẻ đẹp nổi bật, độc đáo hoặc hiếm gặp của thiên nhiên;
b) Có giá trị điển hình về quá trình tiến hóa sinh thái, sinh học hoặc nơi cư trú tự nhiên của loài nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu hoặc chứa đựng các hệ sinh thái đặc thù, đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên hoặc có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt khác cần bảo tồn;
c) Có đặc điểm nổi bật, độc đáo về địa chất, địa mạo hoặc chứa đựng dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất;
d) Có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, giữ cân bằng sinh thái, cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên.
3. Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận di sản thiên nhiên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 21. Nội dung bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên
1. Điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
2. Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
3. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ di sản thiên nhiên. Tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên được hưởng quyền lợi từ chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo quy định của pháp luật.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này.
Luật Sư Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Vườn Quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet