Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội vừa có báo cáo góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội:
Căn cứ pháp lý đề nghị rà soát lại các Văn bản pháp lý hết hiệu lực như Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001, đề nghị thay thế bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.
I. Tại nội dung chính của Nghị định
1. Điều 3, Giải thích từ ngữ
– Khoản 2 Điều 3: Giải thích từ ngữ “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong làng nghề là….”: Đề nghị làm rõ tiêu chí xác định “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong làng nghề” và “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngoài làng nghề” khác nhau như thế nào? Nên giải thích từ ngữ đối với “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.
– Khoản 3 Điều 3: Giải thích từ ngữ “Cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong khu dân cư, làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư, làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường lặp lại nhiều lần, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không khắc phục được”: Làm rõ “lặp lại nhiều lần” là bao nhiêu lần trở lên và trong khoảng thời gian bao lâu?
– Khoản 6 Điều 3: Giải thích từ ngữ “Nước làm mát là nước phục vụ mục đích giải nhiệt cho thiết bị, máy móc trong quá trình sản xuất không tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hóa chất sử dụng trong các công đoạn sản xuất”: Đề nghị làm rõ nước làm mát sản phẩm (VD các sản phẩm của quá trình đúc (nhựa,..)) có phải là nước làm mát không?
– Khoản 14 Điều 3: Giải thích từ ngữ “Chất thải rắn thông thường là chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường hoặc chất thải công nghiệp phải kiểm soát nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại”: Đề nghị làm rõ chất thải xây dựng có thuộc chất thải rắn thông thường không?
– Gộp Khoản 21 Điều 3 “21. Khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan được thành lập theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản” vào khoản 20 Điều 3 (theo quy định về Di sản thiên nhiên tại khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2020).
– Khoản 23 và 24 Điều 3: đề nghị quy định rõ: Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh; Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện là Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
– Bổ sung giải thích từ ngữ “bản sao” trong Dự thảo là: Bản sao y bản chính của Chủ dự án hay Bản sao y bản chính của đơn vị có chức năng, thẩm quyền.
2.Mục III. Bảo vệ môi trường đất: Đề nghị bổ sung nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường đất cấp tỉnh.
3. Mục 4. Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên: Đề nghị bổ sung căn cứ quy định di sản thiên nhiên cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc tế.
4. Điều 19: Khoản 2, Điều 19 quy định Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định hồ sơ đề cử công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên: đề nghị bổ sung đại diện Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch.
5. Điều 20:
– Thống nhất điểm a khoản 1 Điều 20 Luật bảo vệ môi trường và khoản 3 Điều 20 dự thảo Nghị định.
– Bổ sung quy định về nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường của di sản thiên nhiên.
– Khoản 4 Điều 20: Nêu rõ quy mô về diện tích để phân cấp quản lý di sản thiên nhiên.
– Điểm a, b, c khoản 5 Điều 20: Đề nghị quy định cụ thể khoảng cách từ vùng lõi đến vùng đệm, từ vùng đệm đến vùng chuyển tiếp.
6. Chương III. Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường
– Nên tách Chương III thành 3 mục rõ ràng theo đúng nên Chương: Phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường.
– Bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược.
-Điều 24. Tiêu chí về môi trường và phân loại dự án đầu tư:
+Điểm đ khoản 6 Điều 24 quy định việc xác định dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường “Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 (hai) vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai”: Đề nghị nêu rõ diện tích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên chuyển mục đích.
– Đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Căn cứ Điều 28, Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Điều 24 của Dự thảo Nghị định: Đề nghị bổ sung Phụ lục dạng bảng -các đối tượng lập ĐTM (nêu rõ loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quy mô dự án) để thuận tiện cho quá trình các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tra cứu, theo dõi.
– Tại khoản 1 Điều 30 của Luật BVMT quy định đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm các Dự án đầu tư Nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật BVMT và Dự án đầu tư công Nhòm II quy định các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật BVMT. Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 30 quy định đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 30 này thuộc dự án đầu tư khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do vậy, đề nghị bổ sung tại Nghị định này quy định và Phụ lục Danh mục các Dự án đầu tư công khẩn cấp không phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường
– Điều 25. Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường:
+ Khoản 3 Điều 25 quy định Nội dung tham vấn: không đúng với quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đề nghị chỉnh sửa như sau:
“4. Hình thức tham vấn: Tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử: …; và một hoặc các hình thức sau đây:
a) Tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến: ….
b) Tham vấn bằng văn bản: ….”
– Tại điểm d, khoản 5, Điều 25 quy định đối với các dự án nằm trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, chủ dự án đầu tư thực hiện tham vấn theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 25 là tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử.
– Đề nghị phải xem xét và quy định cụ thể từng trường hợp phải tham vấn bằng hình thức tổ chức họp lấy ý kiến và tham vấn bằng văn bản hoặc trường hợp thực hiện họp xong có văn bản trả lời và có đại diện của UBND xã là địa phương quản lý rõ về địa bàn.
– Trường hợp tham vấn bằng hình thức họp do Chủ dự án chịu trách nhiệm thì sẽ khó khăn cho cơ quan thẩm định vì sẽ không biết được các thành phần dự họp có đúng người dân trên địa bàn dự án không hay mời sai đối tượng họp và việc này chỉ có chính quyền UBND phường, xã xác nhận và quản lý mới biết chính được.
– Tại điểm a, khoản 5 đề nghị chỉnh sửa thành: …tham vấn bằng văn bản đối với UBND cấp tỉnh. cấp huyện: tham vấn gồm tất cả tỉnh hoặc tất cả các huyện nếu dự án nằm trên các tỉnh, các huyện.
Điều 26. Trách nhiệm của Chủ dự án đầu tư trong quá trình hoàn thiện báo cáo ĐTM sau khi có thông báo kết quả thẩm định; …
Tại khoản 1 Điều 26 tại dự thảo Nghị định này quy định thời hạn tối đa 24 (hai mươi ) tháng, kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và gửi cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đề nghị xem xét lại tiến độ này cho phù hợp vì thời gian thông thường tiến độ dự án quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư là 2 năm, nếu quá thời hạn hai năm dự án chưa triển khai thực hiện thì Chủ dự án lại phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh tiến độ Chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật đầu tư, đầu tư công và phải hoàn thiện các thủ tục cấp phép xây dựng.
7. Chương IV. Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường
– Đề nghị bổ sung, làm rõ đối tượng “tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường”: Trường hợp nào thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường? Trường hợp nào thuộc đối tượng thực hiện cấp lại giấy phép môi trường?
– Tại điểm c, Khoản 1 Điều 28 quy định nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp, cấp điều chỉnh, cấp lại Giấy phép môi trường: có nêu khoảng cách an toàn về môi trường của dự án đầu tư: đề nghị bổ sung quy định rõ khoảng cách an toàn môi trường bao nhiêu mét và sẽ căn cứ theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng QCXDVN của Bộ Xây dựng quy định hiện hành (QCXD 01:2021/BXD) hay do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định ban hành mới.
– Tại khoản 3 Điều 38 : chỉ quy định về thời gian vận hành thử nghiệm tối đa (6 tháng) mà chưa quy định về thời gian vận hành thử nghiệm tối thiểu.
– Tại khoản 6 và khoản 10 Điều 38 đều có quy định về việc vận hành thử nghiệm lại công trình BVMT, cần làm rõ có sự khác biệt của các trường hợp quy định tại khoản 6 và khoản 10 hay không. Trong trường hợp nội dung khoản 10 là quy định tiếp nối của khoản 6 thì nên đưa nội dung khoản 10 và khoản 6 vào.
8. Điều 41
– Khoản 2 Điều 41 Điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề: Đề nghị chỉnh sửa thành: “2. Phương án bảo vệ môi trường làng nghề do Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng. Trường hợp cần thiết, phương án này được điều chỉnh, bổ sung hằng năm để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương” (Luật Bảo vệ môi trường không quy định thời gian hiệu lực của Phương án bảo vệ môi trường làng nghề).
– Điểm c và điểm d khoản 3 Điều 41: Chỉnh sửa thành: “c) Tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; hương ước, quy ước có nội dung bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường;” “d) Tham gia phối hợp kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở trong làng nghề khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;”.
9. Điều 45
Điểm d khoản 6 Điều 45: chỉnh sửa như sau: “d) Nơi nhận tiền ký quỹ được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 137 Luật Bảo vệ môi trường; hoặc tổ chức tín dụng cấp tỉnh có chức năng của Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh”.
10. Điều 59. Yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp
– Điểm b khoản 6 Điều 59 quy định “….Các hồ sự cố phải có tổng khả năng lưu chứa nước thải tối thiểu là 01 (một) ngày, tính theo lưu lượng xả nước thải tối đa của dự án…”: Đề nghị xem xét lại khả năng lưu chứa nước thải tối thiểu phụ thuộc vào lưu lượng nước thải của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Bổ sung điều khoản chuyển tiếp, phương án giải quyết đối với các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (VD: Khu đô thị, Khu trung tâm thương mại,… trong khu dân cư) đã đi vào hoạt động nhưng chưa có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải và đã hết quỹ đất để xây dựng, lắp đặt hồ sự cố (vì theo Luật Bảo vệ môi trường 2015 và Nghị định 40/2019/NĐ-CP không quy định các đối tượng này phải xây dựng công trình, phòng ngừa, ứng phó sự cố).
– Khoản 9 Điều 59 quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Nghị định này nằm ngoài khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định tại khoản 6 Điều này”: Đề nghị nêu rõ đối tượng phải có công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải thuộc quy mô nào (lớn, trung bình, nhỏ,…) và lưu lượng nước thải phát sinh và khả năng lưu chứa nước thải.
11. Điều 118. Quan trắc nước thải
– Điểm a khoản 2 Điều 118 quy định “Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải quan trắc tự động, liên tục các thông số: lưu lượng nước thải (đầu vào và đầu ra), nhiệt độ, pH, TSS, COD (trừ trường hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường không yêu cầu kiểm soát) và thông số ô nhiễm khác theo yêu cầu của cơ quan cấp giấy phép môi trường” bổ sung, chỉnh sửa thành “Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này phải quan trắc tự động, liên tục các thông số: lưu lượng nước thải (đầu vào và đầu ra), nhiệt độ, pH, TSS, COD (trừ trường hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường không yêu cầu kiểm soát) và thông số ô nhiễm khác theo yêu cầu của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường”.
12. Một số nội dung khác về kế hoạch QLMT
– Cần làm rõ kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt liên tỉnh và kế hoạch BVMT nước mặt nội tỉnh có liên ưuan đến nhau ko, có thống nhất trong từng vùng, từng tỉnh và tỉnh có cần quy định riêng ko và phải tương thích với kế hoạch chung ko?
– Cần làm rõ kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch cấp tỉnh có liên quan như thế nào, có sự khác biệt hay nghiêm ngặt hơn so với cấp tỉnh.
– Đối với mục phục hồi môi trường cần bổ sung quy định đối tượng khu vực ô nhiễm môi trường đất đặc biệt nghiêm trọng thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường để có cơ sở xác định, bổ sung thêm việc phục hồi tại các khu vực giáp ranh của các tỉnh thì thêm trách nhiệm Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý.
Chi cục Bảo vệ môi trường kính báo cáo Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái xem xét, chấp thuận./.
MTĐT
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Bãi rác Nam Sơn