Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rất cụ thể việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt có thể bị xử lý hình sự với hình thức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.
Hỏi: Luật sư cho tôi hỏi, trường hợp đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
(Văn Hải , huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ)
Luật sư trả lời:
Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau: Theo điểm a, Khoản 1, Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản…”
Như vậy, trong Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rất cụ thể việc đánh bắt thủy sản bằng hình thức hủy diệt có thể bị xử lý hình sự với hình thức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Rải thuốc trừ sâu xuống dòng sông đầu nguồn ở Trà Bồng, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi để đánh bắt tôm. Ảnh: Trí Tín.