Thống kê mới đây của Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn.
Thống kê mới đây của Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT, trung bình mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt cả nước là 25 triệu tấn, trong đó chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Trong đó, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%; còn TP Hồ Chí Minh tỷ lệ chôn lấp cũng lên tới 69%. Tỷ lệ chôn lấp trực tiếp gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội phức tạp. Việt Nam cũng chưa phân loại được rác tại nguồn nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn thời gian qua còn nhiều bất cập, trong đó chức năng quản lý được giao cho nhiều Bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng …. Ở địa phương, cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND cấp tỉnh về vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt về tại một số tỉnh là Sở TN&MT, tại một số tỉnh khác là Sở Xây dựng. Việc này dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là vấn đề chất thải rắn sinh hoạt trở thành điểm nóng về an ninh, chính trị tại một số địa phương.
Mặt khác, chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; việc xử lý chất thải nguy hại (CTRSH) hiện nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp; nhiều lò đốt không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn, dẫn đến khối lượng CTRSH phát sinh ngày một nhiều và chưa tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải, chưa theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.
Để khắc phục hạn chế trên, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 ( sửa đổi )đã quy định việc giao cho Bộ TN&MT giúp Chính phủ làm đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quản lý chất thải rắn trong đó có CTRSH ở cấp Trung ương là phù hợp, trong đó bao gồm các nội dung về cơ chế, chính sách…và việc hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cũng quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay. Cùng với đó người không thực hiện phân loại rác sinh hoạt sẽ phải trả chi phí cao hơn so người thực hiện phân loại; quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được tính dựa trên khối lượng phát sinh. Chính vì lẽ đó sẽ thúc đẩy người dân giảm thiểu lượng chất thải phát sinh vì rõ ràng việc phát sinh ít chất thải hơn đồng nghĩa với việc phải trả ít tiền hơn.
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 còn đưa ra quy định khuyến khích phân loại CTRSH tại nguồn thành 05 loại là chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Đồng thời quy định nguyên tắc về việc thu kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng loại chất thải sau khi đã được phân loại. Điều này một mặt để làm căn cứ cho việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh, những tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại sẽ phải trả chi phí cao hơn so với những tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại theo quy định. “Việc giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý sẽ giúp chính quyền địa phương căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng để đưa ra các quy định cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của quy định”, Phó Tổng cục trưởng cho biết.
Tại điều 79, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 cũng đã quy định về chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể:
1. Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
a) Phù hợp với quy định của pháp luật về giá;
b) Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại;
c) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 75 của Luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
3. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng nhỏ theo quy định của Chính phủ được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 của Luật này hoặc quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải từ hoạt động sinh hoạt, văn phòng có khối lượng lớn theo quy định của Chính phủ phải chuyển giao cho cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải có chức năng phù hợp hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển có phương tiện, thiết bị phù hợp để vận chuyển đến cơ sở tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn có chức năng phù hợp.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
7. Quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 75 của Luật này phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2024.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Luật cũng quy định theo hướng ai xả nhiều chất thải rắn sinh hoạt hơn sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người bình quân như hiện nay.