Cần sự chung tay để giảm thiểu ô nhiễm không khí

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, việc loại bỏ các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên để có được kết quả tốt thì việc cần làm trước mắt là mỗi người dân phải hiểu và chủ động tham gia vào công tác bảo vệ bầu không khí chung của Thủ đô, cùng chung tay thực hiện tốt các khuyến cáo như hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, không đốt rơm, rạ, chế phẩm nông nghiệp hay rác sinh hoạt…

Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tuần vừa qua (từ ngày 23 – 29/8) có xu hướng xấu hơn so tuần trước, chủ yếu chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong tuần đều trung bình, một số ít khu vực AQI ở mức tốt, có 1 ngày nào chỉ số AQI ở mức kém.

Người dân nên thay thế bếp than tổ ong bằng những bếp thân thiện để giảm ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội về cơ bản vẫn là thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Cụ thể, trong tuần qua có mưa trên toàn Thành phố, một số trạm do ảnh hưởng của phương tiện giao thông, ngày có sương mù nhẹ, chưa kể đến là chênh lệch giữa ngày và đêm, điều này làm cho các chất ô nhiễm không được khuếch tán, dẫn đến chất lượng không khí có xu hướng xấu đi. Cùng đó là một số nguyên nhân xuất phát từ các hành động thiếu ý thức của một số người dân.

Do đó để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội vẫn liên tục khuyến cáo người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong, thu gom và xử lý rác theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống, các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ.

Bởi lẽ trên thực tế một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng không khí là tình trạng đốt rơm rạ, chế phẩm nông nghiệp mặc dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự triệt để. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm rõ rệt, cụ thể huyện Mê Linh 30%; Quốc Oai 15%; Thanh Oai 1%; Thường Tín 0,7%. Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, về quản lý nhà nước, nhất là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý thí điểm rơm rạ tại các quận, huyện.

Mặc dù đã giảm nhưng thực trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tái diễn theo mùa vụ. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ nên vẫn còn hiện tượng đốt tự phát tại các địa phương. Mặt khác, các địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí cho các xã trên địa bàn, để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, vẫn thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát về việc thực thi nhiệm vụ đốt rơm rạ…

Bên cạnh đó việc hạn chế sử dụng bếp than tổ ong của Thành phố cũng bước đầu ghi nhận những hiệu quả tích cực. Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết tính đến tháng 6 năm 2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017.

Kết quả cho thấy, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 người ở Hà Nội. Đồng thời việc giảm bếp than tổ ong giúp chỉ số bụi mịn PM 2.5 giảm từ hơn 2.300 tấn năm 2017 xuống còn khoảng 1.600 tấn năm 2020, lượng khí thải CO2 từ việc sử dụng bếp than tổ ong giảm hơn 382.000 tấn/năm.

Trong số các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%. Bốn quận huyện trên đã giảm từ gần 15.000 bếp than tổ ong vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020.

Trong khi đó, các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai còn tồn tại lượng bếp than tổ ong lớn nhất (hơn 1500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn Thành phố. Khảo sát thực tế tại một số tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, tình trạng các hàng quán sử dụng bếp than tổ ong vẫn còn tương đối nhiều.

Từ những kết quả tích cực ban đầu, có thể thấy rằng nếu chính quyền và người dân Hà Nội cùng đồng lòng, chung sức thì có thể góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí như hiện nay là sự phát triển đất nước và đời sống người dân được nâng cao, do đó chắc chắn phải đánh đổi nhưng có điều, không đánh đổi bằng mọi giá, chỉ đánh đổi ở mức chấp nhận được. Điều đó đòi hỏi cả nhà nước và nhân dân đều phải chung tay nhằm mục tiêu chung giữ cho môi trường trong sạch.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hương Giang – Điều phối viên của Tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền và người dân, mong muốn sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa các sở, ban ngành. Theo bà Giang, Hà Nội có hơn 8 triệu dân nên không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, nếu như người dân cùng nhau không sử dụng bếp than tổ ong, giảm sử dụng điện, giảm sử dụng rác thải nhựa, túi nilon, giảm phát thải… thì chúng ta có thể đương đầu với cuộc chiến ô nhiễm không khí.

N.Hoa – Báo LĐTĐ

Theo Lao Động Thủ Đô

Ảnh: Tình trạng đốt rác thải vẫn diễn ra ở một số nơi gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Xem bài viết gốc tại đây:

https://laodongthudo.vn/can-su-chung-tay-de-giam-thieu-o-nhiem-khong-khi-112327.html