Bức tranh thêm nhiều màu sáng

Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi phản ánh sự đa dạng về phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Hiện nay, thành phố (TP) có hơn 8 triệu người, trong đó người DTTS gần 108 ngàn người, với 50 thành phần dân tộc; sinh sống thành cộng đồng ở 153 thôn, 14 xã, 5 huyện, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng bào các DTTS Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong đấu tranh dựng nước, giữ nước, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương trên địa bàn Thủ đô.

Trong những năm qua, TP đã quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nghị quyết; UBND TP ban hành các kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội đối với vùng đồng bào DTTS miền núi của Thủ đô.

Trong giai đoạn 2013-2015, ngân sách TP đã bố trí 837,5 tỷ đồng đầu tư thực hiện 105 dự án; giai đoạn 2016-2020, ngân sách TP dự kiến bố trí nguồn vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đến nay đã cấp 850 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án vùng đồng bào DTTS, hầu hết các dự án được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các quận đã hỗ trợ 92 tỷ đồng để xây dựng 46 nhà văn hóa thôn ở các xã vùng DTTS miền núi TP.

Cùng với đó, các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ – nơi tập trung đông đồng bào DTTS đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc miền núi phù hợp với thực tế của địa phương; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân tộc và đã đạt được kết quả tích cực.

Kinh tế – xã hội các xã miền núi vùng đồng bào DTTS có bước tăng trưởng khá, bình quân trên 12%/năm, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt. Khu vực nông thôn miền núi đã hình thành một số mô hình sản xuất tiêu biểu đạt hiệu quả kinh tế cao; môi trường rừng được khôi phục, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 80%; kinh tế dịch vụ – du lịch phát triển theo hướng tích cực. Mỗi năm các khu du lịch vùng dân tộc, miền núi đón hàng triệu lượt khách và thu hút hàng nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho đồng bào.

Công tác xóa đói, giảm nghèo cũng có sự chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi giảm từ 13,38% năm 2016 xuống còn 3,72% vào cuối năm 2018, không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS tăng từ 15 triệu đồng/người năm 2014 lên 35 triệu đồng/người năm 2018, có xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm…

14/14 xã có điểm bưu điện văn hóa phục vụ nhu cầu vận chuyển thông tin, hàng hóa nhỏ của người dân ra ngoài địa phương. 100% số hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt. Hệ thống điện thoại, internet, báo chí đến từng thôn. Có 100/153 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, trên 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được duy trì và phát triển. An ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc vững chắc, lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.

Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết, những mảng màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi của Thủ đô là kết quả của việc triển khai hiệu quả công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong suốt những năm qua. Sự ủng hộ, quan tâm sát sao của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn là “cú hích” thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi Thủ đô, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ những phong trào ấy, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc giỏi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng; mở thêm ngành nghề tiểu – thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong vùng. Không ít những già làng, trưởng dòng họ tộc đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa mới ở cơ sở.

Vui mừng với những thành tựu đạt được, đồng bào DTTS đang sinh sống, công tác, cư trú trên địa bàn Thủ đô đang tiếp tục đồng lòng chung sức, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại, để mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Văn Biên – Báo PL&XH

Theo Pháp luật & Xã hội

Ảnh: Cùng với sự bứt phá trong phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS của Thủ đô cũng đã được nâng lên rõ rệt; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy. Ảnh: Khánh Phong

Xem bài viết gốc tại đây:

https://phapluatxahoi.vn/buc-tranh-them-nhieu-mau-sang-177228.html