Giết người bằng việc dùng chất độc là một trong những thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Theo quy định của pháp luật hiện hành những hành vi này sẽ bị xử phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Thời gian vừa qua, dư luận hết sức bất bình vì một số đối tượng vì những lý do hết sức “nhỏ nhặt” đã ra tay sát hại “kẻ thù” hay tìm cách tiêu diệt tình địch để thoả lòng ghen tuông của mình bằng hình thức bỏ chất độc vào rượu, thả xuống giếng, bể nước, thức ăn… Khi cơ quan chức năng vào cuộc, các đối tượng khai nhận mục đích thực hiện hành vi nhằm “trả thù tình”, mâu thuẫn cá nhân giữa hai gia đình hàng xóm…
Hậu quả của những việc làm này nếu như không được phát hiện sẽ gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc cho nhiều người.
Vậy những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên bị xử lý như thế nào?
Luật sư:
1. Nếu nồng độ thuốc trừ sâu trong bể nước được xác định có thể gây tổn hại sức khỏe cho người sử dụng :
Người có hành vi bỏ thuốc trừ sâu vào bể nước có thể bị truy cứu trách nhiệm theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác“.
“6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Như vậy, tùy theo nồng độ hóa chất gây nguy hiểm trong nước có thể gây ra hậu quả như thế nào, mà cơ quan chức năng sẽ định mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Nếu nồng độ thuốc trừ sâu trong bể nước được xác định có thể gây chết người:
Người có hành vi bỏ thuốc trừ sâu vào bể nước có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về “Tội giết người” trong giai đoạn phạm tội chưa đạt
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.”
Bỏ thuốc trừ sâu vào bể nước là hành vi giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, vì vậy người thực hiện hành vi này có thể bị phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình./.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh họa