Bê bết chương trình sửa chữa, cải tạo chung cư xuống cấp nguy hiểm tại TP.HCM

Ngân sách TP.HCM không bố trí nổi vốn, hàng trăm chung cư xuống cấp nguy hiểm vẫn không được sửa chữa, cải tạo, thay mới khiến người dân nơi đây sống trong phập phồng.

Theo báo cáo mới đây của Sở xây dựng TP.HCM, Thành phố có 474 chung cư cũ với 573 lô được xây dựng trước năm 1975. Tới nay, TP.HCM chỉ mới thỏa thuận, di dời 1.019 hộ dân tại 20 chung cư cũ; tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư (14 lô) với 123.211,4m2 sàn và mới xây mới được 4 chung cư cũ giai đoạn 2016 với 1.440 căn hộ. Còn 16 chung cư xuống cấp nguy hiểm cấp D vẫn chưa thể xây mới.

Chưa hết, năm 2021, tại Quyết định số 3837/QĐ-UBND ngày 10/11/2021, TP.HCM đặt chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016 – 2020 với tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Sở Xây dựng đã có Công văn số 9764/SXD-TĐDA ngày 3/7/2023 đề nghị Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND Thành phố việc kiểm định, sửa chữa chung cư 349 chung cư cũ với tổng mức đầu tư là 293,7 tỷ đồng. Tuy nhiên tới nay TP.HCM vẫn chưa bố trí được vốn nên chưa có chung cư nào được cải tạo sửa chữa. Điều này sẽ dẫn tới tiếp tục phá sản kế hoạch tới 2025 hoàn tất cải tạo sửa chữa chung cư cũ.

Với dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, ngân sách TP.HCM còn hạn hẹp nên các dự án chủ yếu là huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp với giải pháp tăng chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc và miễn tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, do các chung cư cũ năm ở trong khu vực trung tâm nội thành nên việc tăng chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quy mô dân hiện hữu của khu vực, nên việc điều chỉnh quy hoạch 1/2000, 1/500 gặp vướng kéo dài, chưa đảm bảo tính khả thi cho dự án, khó mời gọi được Nhà đầu tư tham gia.

Có nhiều chung cư nguy hiểm cấp D có diện tích khuôn viên quá nhỏ (dưới 1.000m2), nên khi xây dựng mới lại nhà chung cư không đảm bảo việc tái định cư và lợi nhuận nên không mời gọi được Nhà đầu tư tham gia.

Còn dự án đã có chủ đầu tư thì lại có phát sinh vưóng mắc trong việc bồi thường đối với phần diện tích nhà, đất thuộc quyền sở hữu Nhà nước chưa bán, do các quy định liên quan xử lý các phần diện tích trên không rõ ràng, nhiều quy định mâu thuẫn nhau theo các pháp luật chuyên ngành (nhà ở, quản lý tài sản công, đất đai)…

Ngô Nguyên – Báo Đầu Tư

Theo Đầu Tư

Xem bài viết gốc tại đây:

https://baodautu.vn/batdongsan/be-bet-chuong-trinh-sua-chua-cai-tao-chung-cu-xuong-cap-nguy-hiem-tai-tphcm-d197084.html