Bảo vệ nguồn nước ngầm trước khi quá muộn

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguồn nước ngầm đang có nguy cơ suy giảm khiến cho bà con ở nhiều địa phương đã ở trong tình trạng thiếu nước. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm hiện nay còn đối diện với nguy cơ bị ô nhiễm cao…

Hiện nay, yêu cầu quản lý tài nguyên nước (TNN) bền vững ở Việt Nam ngày càng cấp bách do nước ta mới chỉ chủ động gần 30% nguồn nước, gần 70% lượng nước phụ thuộc bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm thời gian qua chưa hiệu quả khiến nguồn nước liên tục bị suy giảm.

Nước ngầm được định nghĩa là một dạng nước dưới đất, là nước ngọt được chứa trong các lỗ rỗng của đất hoặc đá. Nó cũng có thể là nước chứa trong các tầng ngậm nước bên dưới mực nước ngầm. Đôi khi người ta còn phân biệt nước ngầm nông, nước ngầm sâu và nước chôn vùi.

Nước ngầm cũng có những đặc điểm giống như nước mặt như: nguồn vào (bổ cấp), nguồn ra và chứa. Sự khác biệt chủ yếu với nước mặt là do tốc độ luân chuyển chậm (dòng thấm rất chậm so với nước mặt), khả năng giữ nước ngầm nhìn chung lớn hơn nước mặt khi so sánh về lượng nước đầu vào.

Sự khác biệt này làm cho con người sử dụng nó một cách vô tội vạ trong một thời gian dài mà không cần dự trữ. Đó là quan niệm sai lầm, khi mà nguồn nước khai thác vượt quá lượng “đầu vào” sẽ dẫn đến cạn kiệt tầng chứa nước, lâu dài dẫn tới khó phục hồi. Trong khi đó, nguồn cung cấp nước cho nước ngầm là nước mặt thấm vào tầng chứa thì cũng ngày càng hạn chế do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nguồn nước mặt xả thải ra trước khi thẩm thấu xuống nước ngầm đã bị ô nhiễm…

Theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia được coi là thiếu nước nếu chưa có đến 4.000m3/người/năm. Việt Nam có khoảng 3.370m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh. Như vậy, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thiếu nước trong khu vực và trên thế giới.

Ðáng chú ý, trong số 80% số dân nông thôn, chỉ có khoảng 60% số hộ được sử dụng nước sạch. Nước sử dụng cho sinh hoạt bao gồm nước mặt (chiếm 70%) và nguồn nước ngầm (chiếm 30%), nhưng nguồn nước ngầm và nước mặt ở nước ta phân bố không đồng đều và phụ thuộc vào lượng mưa hàng tháng, cho nên phần lớn khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên thiếu nước, nhất là vào mùa khô.

Đại diện Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) cho biết: Việc khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên nước dưới đất như thế nào cho hiệu quả và bền vững là hết sức quan trọng, nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Thực tế những năm gần đây, tại nhiều địa phương diễn ra tình trạng khai thác vượt quá trữ lượng của một số tầng chứa nước gây nên hạ thấp mực nước. Ðây được xem như một trong những nguyên nhân gây sụt lún mặt đất. Cùng với đó, nhiều địa phương chưa kiểm soát, giám sát được các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, nhất là hiện có hàng trăm nghìn giếng khoan bị bỏ hoang không còn khai thác, nhưng không được tráng lấp, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền ô nhiễm, nhiễm mặn giữa các tầng nước. Việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nước còn rất hạn chế… Những chất thải đó theo thời gian sẽ ngấm vào nguồn nước, tích tụ dần làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sức khỏe người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững TNN nói chung và bảo vệ nguồn nước ngầm nói riêng, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện chính sách pháp luật, chiến lược về TNN; chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng quy hoạch TNN quốc gia, quy hoạch TNN lưu vực sông liên tỉnh và quy hoạch TNN của các tỉnh, TP; tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng TNN dưới đất. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và các nguồn lực quốc tế trong công tác điều tra, đánh giá và quản lý TNN; tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm…

“Ngành TN&MT đã và đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch tài nguyên nước cho cả nước, các lưu vực sông lớn và kế hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tìm kiếm nguồn nước ngầm ở các vùng khan hiếm nước và hải đảo; Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giữ nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, sớm đưa vào hoạt động 6 Ủy ban lưu vực sông nhằm hợp tác, đấu tranh bảo đảm quyền, lợi ích của Việt Nam đối với các nguồn nước liên quốc gia theo Công ước và thông lệ quốc tế”, ông Kiên cho biết thêm.

Nguyễn Đăng – Báo PL&XH

Theo Pháp luật & Xã hội

Ảnh: Nguồn nước ngầm là một tài nguyên vô cùng quan trọng. Ảnh: N.Đăng

Xem bài viết gốc tại đây:

https://phapluatxahoi.vn/bao-ve-nguon-nuoc-ngam-truoc-khi-qua-muon-153604.html