Bảo vệ môi trường nước mặt được pháp luật quy định như thế nào?

Song song với quá trình đô thị hóa, là sự phát triển của các KCN, cho nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn. Điều này đã và đang gây sức ép đến nguồn nước sử dụng

Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với 2.360 con sông có chiều dài hơn 10 km, trong đó có 109 con sông chính. Trên cả nước có 16 lưu vực sông (LVS), với lưu lượng nước lớn hơn 2.500 km 2; 10 trong số 16 LVS có diện tích hơn 10 nghìn km 2 . Tổng lượng nước mặt của các LVS khoảng từ 830 đến 840 tỷ m 3 /năm, tuy nhiên chỉ có khoảng 37% là nước nội sinh, còn lại là nước chảy từ các quốc gia láng giềng vào lãnh thổ Việt Nam.

Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân ở hạ lưu hầu hết các LVS nằm trong tình trạng suy giảm nguồn nước dẫn tới thiếu nước, khan hiếm nước không đủ cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất đang diễn ra thường xuyên hơn trên phạm vi rộng và ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này đã gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái các dòng sông, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất, cho nên sông, hồ trong các đô thị dần bị thu hẹp dòng chảy, thậm chí có nơi bị lấp hoàn toàn để lấy đất phục vụ xây dựng các công trình giao thông, khu dân cư, nhà máy, khu công nghiệp (KCN). Song song với quá trình đô thị hóa, là sự phát triển của các KCN, cho nên nhu cầu sử dụng nước ngày càng lớn. Điều này đã và đang gây sức ép đến nguồn nước sử dụng, cũng như chất lượng môi trường nguồn nước mặt ở nước ta bị ô nhiễm ở nhiều khu vực và đang có xu hướng mở rộng về phạm vi và mức độ ô nhiễm. Ví dụ như ở khu vực miền bắc, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, môi trường nước mặt ở nhiều nơi đã bị ô nhiễm. Tại LVS Cầu hiện có nhiều đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, KCN và các làng nghề truyền thống bị ô nhiễm nghiêm trọng thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Vai trò của nước đã được nhiều nước, trong đó có Việt Nam xem đó là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá của quốc gia, từ đó có luật pháp, chính sách chặt chẽ, hiệu quả để phổ cập, quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên này phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.

Với Việt Nam, bảo vệ nguồn nước được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ. Cụ thể, Theo điều 8, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 qui định về Hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt gồm:

1. Nội dung bảo vệ môi trường nước mặt bao gồm:

a) Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý nước thải xả vào môi trường nước mặt;

b) Quan trắc, đánh giá chất lượng nước, trầm tích, môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt và công khai thông tin phục vụ quản lý, khai thác và sử dụng nước mặt;

c) Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; công bố các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; đánh giá hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt;

d) Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt bị ô nhiễm;

đ) Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích sông liên quốc gia và chia sẻ thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật và thông lệ quốc tế.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt;

b) Tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm và tổ chức xử lý ô nhiễm sông, hồ liên tỉnh; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường;

c) Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, cải thiện chất lượng nước tại sông, hồ liên tỉnh.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Xác định các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn; xác định khu vực sinh thủy;

b) Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước mặt, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước mặt thuộc sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định;

c) Tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt trên địa bàn; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn theo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;

d) Tổ chức đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, đánh giá khả năng chịu tải, hạn ngạch xả nước thải đối với nguồn nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này; công bố thông tin về môi trường nước mặt trên địa bàn không còn khả năng chịu tải;

đ) Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này; tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn.

LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Công trình thu nước của Nhà máy nước sạch sông Cầu nằm ngay trên đoạn sông ô nhiễm nước thải đen đặc. Ảnh: Internet