Ô nhiễm không khí đe dọa hầu như toàn bộ cư dân sống trong những thành phố lớn tại các nước đang phát triển, khiến hơn 3 triệu người bị chết sớm hàng năm.
Theo Fox News, 80% thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chất lượng không khí sạch. Tổ chức này cho biết, mức độ ô nhiễm không khí toàn cầu gia tăng dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về bệnh hô hấp ngày càng thêm nghiêm trọng (Wikipedia 2020).
Tác động bất lợi của ô nhiễm không khí đến sức khỏe và cuộc sống nhân loại, trở thành vấn đề nóng luôn nhận được sự quan tâm rộng lớn của các cộng đồng xã hội. Ở nước ta, hàng loạt sự cố môi trường không khí như cháy tại nhà máy Rạng Đông, tro bay tại khu vực nhiệt điện Vình Tân và nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã gây những bức xức trong xã hội. Tuy nhiên, nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Trong một vài năm trở lại đây, ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại, từ đầu tháng 11-2020 đến nay, Hà Nội và các tỉnh phía bắc xuất hiện một số đợt ô nhiễm khá nghiêm trọng, với giá trị thông số bụi mịn PM2.5 vượt quá giới hạn QCVN 05:2013/BTNMT, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân sinh sống trên địa bàn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó có các quy định sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế giai đoạn 2018-2022. Cụ thể, bổ sung chủng loại xe ô tô thân thiện môi trường được áp dụng chương trình ưu đãi, bổ sung xe ô tô thân thiện môi trường được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí; thiết lập hệ thống thông tin, tổng hợp số liệu quan trắc, đánh giá chất lượng không khí qua trang thông tin điện tử chính thức và phần mềm ứng dụng Envisoft, từ đó đưa ra cảnh báo, khuyến nghị để người dân biết và phòng tránh, bảo vệ sức khỏe.
Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với phương tiện giao thông cơ giới lắp động cơ điện như: Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện; Thông tư số 19/2014/TTBGTVT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về động cơ, ắc quy sử dụng cho xe điện.
Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường như Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 hướng dẫn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường, Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 09/8/2016 quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải,… hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Tuy nhiên, chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô chỉ áp dụng cho các loại xe chạy xăng/dầu (gồm xe dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh từ 2.500 cm 3 trở xuống, xe minibuyt, xe buýt/xe khách, xe tải), chưa áp dụng đối với xe thân thiện môi trường như xe chạy điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe hybrid.
Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung sửa đổi và cụ thể hóa các nội dung quản lý chất lượng không khí, chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường . Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, đã bổ sung một số điều khoản quy định chi tiết về trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác quản lý môi trường không khí; ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm sản phẩm thân thiện với môi trường để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng.
Cụ thể, theo điều 12, 13 và 14, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định bảo vệ môi trường không khí, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí gồm:
Điều 12. Quy định chung về bảo vệ môi trường không khí
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát thải bụi, khí thải tác động xấu đến môi trường phải có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Chất lượng môi trường không khí phải được quan trắc, giám sát thường xuyên, liên tục và công bố theo quy định của pháp luật.
3. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí phải được thông báo và cảnh báo kịp thời nhằm giảm thiểu tác động đến sức khỏe cộng đồng.
4. Các nguồn phát thải bụi, khí thải phải được quan trắc, đánh giá và kiểm soát theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí
1. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí gồm Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí phải phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia. Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh phải phù hợp với Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, quy hoạch tỉnh, là căn cứ để tổ chức thực hiện và quản lý chất lượng môi trường không khí.
2. Thời hạn của Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí là 05 năm. Thời hạn của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh được xác định trên cơ sở phạm vi, mức độ ô nhiễm không khí, giải pháp quản lý, cải thiện và điều kiện, nguồn lực thực hiện của địa phương.
3. Nội dung chính của Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí bao gồm:
a) Đánh giá công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí cấp quốc gia; nhận định các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí;
b) Mục tiêu tổng thể và mục tiêu cụ thể;
c) Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí;
d) Chương trình, dự án ưu tiên để thực hiện nhiệm vụ và giải pháp; xây dựng quy chế phối hợp, biện pháp quản lý chất lượng môi trường không khí hên vùng, liên tỉnh;
đ) Tổ chức thực hiện.
4. Nội dung chính của kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh bao gồm:
a) Đánh giá chất lượng môi trường không khí ở địa phương;
b) Đánh giá công tác quản lý chất lượng môi trường không khí; quan trắc môi trường không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính; kiểm kê phát thải; mô hình hóa chất lượng môi trường không khí;
c) Phân tích, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí;
d) Đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng;
đ) Mục tiêu và phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí;
e) Nhiệm vụ và giải pháp quản lý chất lượng môi trường không khí;
g) Tổ chức thực hiện.
5. Chính phủ quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí,
Điều 14. Trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng môi trường không khí
1. Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí; chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và xuyên biên giới.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
a) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và tổ chức thực hiện;
b) Hướng dẫn xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh, phương pháp đánh giá chất lượng môi trường không khí.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;
b) Đánh giá, theo dõi và công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí; cảnh báo cho cộng đồng dân cư và triển khai biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm gây tác động đến sức khỏe cộng đồng;
c) Tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ô nhiễm không khí đang là mối lo lắng của người dân TP. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet