Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức phiên họp trực tuyến đầu tiên với Ban soạn thảo, Tổ biên tập để hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Trưởng Ban soạn thảo; Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, Phó trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp.
Phiên họp có sự tham dự của lãnh đạo các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT; lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức và các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường là thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân , thực hiện Chương trình công tác năm 2021, để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các phiên họp trao đổi, thảo luận, hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Chương trình sẽ có 6 phiên họp được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14/5 thảo luận về các nội dung sẽ được quy định trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Phát biểu chỉ đạo , Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp các ý kiến để thống nhất các quy chuẩn, quy định của luật pháp; thể hiện được tính thống nhất từ Luật và các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư; tập trung vào các nội dung Luật giao cho Chính phủ thực hiện, triển khai các quy hoạch; đưa ra lộ trình thực hiện một cách bài bản, khoa học…
Bộ trưởng đề nghị, Nghị định cần phải gắn chặt với thực tiễn, tránh quy định quá trừu tượng để phát sinh các văn bản dưới luật; đồng thời, phải quy định các thẩm quyền, trách nhiệm các cấp, các cá nhân thật rõ ràng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tích cực tham khảo, trao đổi ý kiến các cơ quan quản lý địa phương để nắm được những vấn đề phát sinh từ thực tiễn từ đó hoàn thiện các văn bản quy định của pháp luật…
Tại phiên họp đầu tiên, các đại biểu thảo luận về bảo vệ các thành phần môi trường (nước, không khí, đất), bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
Về bảo vệ môi trường nước, dự thảo Nghị định quy định nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với từng sông, hồ liên tỉnh với các nội dung gồm: đánh giá, dự báo xu hướng chất lượng môi trường nước mặt; xác định mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; đánh giá thực trạng, dự báo về các nguồn phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động, nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới; đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt; tổ chức thực hiện kế hoạch.
Về bảo vệ môi trường không khí, dự thảo Nghị định quy định kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí gồm: Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Dự thảo Nghị định quy định cụ thể việc thực hiện biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó, bao gồm việc điều chỉnh hoạt động, hạn chế, tạm dừng các nguồn phát sinh khí thải lớn, điều chỉnh thời gian hoạt động và quy định trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn tiêu chí xác định trường hợp môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Về bảo vệ môi trường đất, dự thảo Nghị định quy định đối tượng phải được điều tra, đánh giá, phân loại chất lượng môi trường đất gồm khu vực bị nhiễm độc hóa chất trong chiến tranh, khu vực sản xuất, kho chứa, bãi chôn lấp chất thải; khu vực khai thác khoáng sản độc hại; khu vực canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất. Việc điều tra, đánh giá khu vực bị ô nhiễm được thực hiện ở mức độ sơ bộ và chi tiết.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể trách nhiệm xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường đất đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường đất và việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ô nhiễm do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.
Đối với Quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên tập trung chủ yếu quy định việc xác lập, đề cử công nhận Di sản thiên nhiên thông qua các quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xác lập, công nhận di sản thiên nhiên; việc điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên.
Quy định về các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, trong đó, bao gồm việc đánh giá tác động cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học chuyên đề đối với tất cả các dự án có ảnh hưởng đến các di sản thiên nhiên là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan và danh lam thắng cảnh.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, địa phương trong việc điều tra, đánh giá, quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên…
Tùng Anh(T/H)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Mỗi năm trên thế giới có 6,5 triệu người chết sớm do chất lượng không khí kém