Thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30 tháng 10 năm 2020).
Chỉ thị nêu rõ, Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng, thiết kế sản phẩm nhựa bảo đảm phục vụ cho tái chế, tái sử dụng; quy định tỷ lệ tối thiểu về hàm lượng nhựa tái sinh trong sản phẩm nhựa, độ bền và công khai thông tin về độ bền của các sản phẩm nhựa; xây dựng hướng dẫn về sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa bền vững. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nhựa tái chế và các loại phụ gia độc hại trong vật liệu nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thống kê và định kỳ thống kê, phân loại nguyên liệu nhựa được sử dụng trong sản xuất, tiêu dùng và chất thải nhựa; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng nhựa và chất thải nhựa trên phạm vi toàn quốc; thực hiện các nghiên cứu về thực trạng, xu hướng phát sinh và công tác quản lý chất thải nhựa. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập khu công nghiệp tái chế tập trung theo quy định của pháp luật để hình thành ngành công nghiệp, thị trường tái chế.
Thực hiện nghiêm các quy định về nhập khẩu phế liệu nhựa theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chỉ được nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm), trừ các trường hợp dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và cơ sở sản xuất đang hoạt động được phép nhập khẩu nhựa phế liệu để sản xuất ra hạt nhựa tái chế thương phẩm đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.
Không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu; đồng thời xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa; phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; xây dựng cổng thông tin điện tử để chia sẻ thông tin, kiến thức về chất thải nhựa; nghiên cứu và đưa tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương.
Thực hiện xã hội hóa, nâng cao vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động giảm thiểu phát thải chất thải nhựa, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối, quảng bá, tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông được gắn nhãn xanh; xây dựng, triển khai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đăng ký, khai báo, quản lý việc sản xuất, sử dụng sản phẩm chứa chất thải nhựa, túi ni-lông; tăng cường truyền thông, triển khai nhân rộng, áp dụng hiệu quả các mô hình giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa, túi ni-lông tại các địa điểm, khu du lịch, đặc biệt các địa điểm, khu du lịch gắn liền với nguồn nước…
Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương.
Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường. Vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề thực sự đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.
Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.
Nhằm siết chặt và tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường tại Việt Nam, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, tại điều 73, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Cụ thể:
1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
2. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý.
3. Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
4. Chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
5. Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa sử dụng một lần; tuyên truyền về tác hại của việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển, rác thải nhựa đối với hệ sinh thái.
7. Chính phủ quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
LUẬT SƯ, TIẾN SĨ ĐỒNG XUÂN THỤ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet