Cơ sở chế biến tre luồng đổ chất thải ra sông Mã nhưng cơ quan chức năng huyện Quan Hóa không biết. Trong khi đó, cá lồng trên sông Mã tiếp tục chết.
Doanh nghiệp đổ chất thải ra sông Mã
Từ cầu Na Sài thuộc địa phận thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) chúng tôi đi thuyền xuôi dòng sông Mã để rõ thực hư phản ánh của người dân về việc các cơ sở chế biến tre luồng đổ chất thải ra sông Mã.
Đúng như phản ánh, chỉ khoảng 10 km đường sông đi qua xã Phú Nghiêm, chúng tôi phát hiện nhiều cơ sở chế biến tre luồng đổ đất, đá, vật liệu xây dựng ra sông Mã. Có những cơ sở còn vô tư đổ rác thải sản xuất ra sát bờ sông Mã rồi đốt.
Ở những khu vực này, nước sông Mã không còn trong xanh, thay vào đó là màu xanh đậm, đục của tảo, rêu, hữu cơ bốc mùi tanh bờn bợn.
Từ trung tâm huyện, chúng tôi đi ngược lên bản Khằm thuộc địa phận thị trấn Hồi Xuân. Tại đây, tình trạng các cơ sở chế biến tre luồng đổ chất thải ra sông Mã cũng phổ biến. Có cơ sở còn tập kết rác thải sản xuất trong rừng luồng, cạnh QL 15A để đốt gây ô nhiễm môi trường.
Sông Mã mùa này cạn nước, váng nổi trên mặt nước bốc mùi hôi thối. Quan sát ven bờ có thể thấy rõ vết chất bẩn còn bám lại. Đoạn sông đi qua bản Khằm không dài nhưng có 2 cơ sở chế biến đang hoạt động.
Điều đáng nói là, hầu hết các cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn huyện Quan Hóa đều không có biển tên đơn vị nên chúng tôi không thể chỉ cụ thể đơn vị nào đổ chất thải ra sông mã.
Theo ông Trương Công Tuấn, Trưởng phòng TNMT huyện Quan Hóa, địa phương này có 9 công ty, hợp tác xã chế biến tre luồng ngâm ủ làm bột giấy, vàng mã, đồ thờ.
Một số cơ sở sử dụng bột lưu huỳnh để sấy chống mốc các sản phẩm như đũa, thanh nan… Theo phê duyệt đánh giá tác động môi trường (DTM) của UBND tỉnh Thanh Hóa, các đơn vị này sử dụng nguồn nước sông Mã để sản xuất; hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, tái sử dụng (không thải ra ngoài môi trường).
Tuy nhiên, theo một cán bộ Phòng TNMT huyện Bá Thước, việc các đơn vị này có vận hành hệ thống xử lý nước thải đúng quy trình hay không lại là câu chuyện khác.
Ngoài ra, tại Quan Hóa có trên 20 cơ sở nhỏ lẻ của hộ gia đình, cá nhân chế biến tre luồng. Những cơ sở này không được phê duyệt đánh giá tác động môi trường và cũng được bố trí nằm dọc sông Mã thuộc xã Phú Nghiêm, thị trấn Hồi Xuân…
Ông Tuấn cho rằng, trước đây, các cơ sở chế biến tre luồng nằm sát sông Mã để thuận tiện vận chuyển nguyên liệu bằng đường sông, lấy nước sông sản xuất. Do lịch sử để lại, UBND tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào thực trạng để cho thuê đất sản xuất, UBND huyện Quan Hóa không chủ động trong việc quy hoạch.
Việc các cơ sở chế biến nằm cạnh bờ sông Mã gây áp lực rất lớn cho chính quyền địa phương trong công tác giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.
Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện, Phòng TNMT, Cảnh sát môi trường tỉnh đã làm việc rất trách nhiệm nhưng chỉ phát hiện, xử phạt một trường hợp lấn chiếm và yêu cầu tháo dỡ công trình; không phát hiện cơ sở nào xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường.
Trên 12 tấn cá lồng chết trắng trên sông Mã
Sông Mã đoạn đi qua huyện Quan Hóa nằm ở phía thượng nguồn, chỉ cách hàng trăm lồng nuôi cá của người dân huyện Bá Thước chừng vài chục km.
Còn trên địa bàn huyện Bá Thước cũng có 5 cơ sở sản xuất, chế biên tre luồng nằm sát sông Mã.
Từ giữa tháng 3/2021 đến nay, đoạn sông đi qua huyện Bá Thước liên tục chuyển sang màu đen khiến trên 12 tấn cá lồng và các loài thủy sản trên sông Mã chết. Cơ quan chức năng hiện đã kết luận cá chết không phải do dịch bệnh nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, thủ phạm khiến người dân rất hoang mang.
Tháng 4/2020, tình trạng cá lồng chết trên địa huyện Bá Thước cũng từng xẩy ra khiến hàng trăm hộ nuôi cá lồng rơi vào cảnh trắng tay. Do không chỉ rõ nguyên nhân, quy trách nhiệm cho thủ phạm nên trên 3 tấn cá lồng chết không được đền bù hỗ trợ khiến người dân rất bức xúc, gây áp lực lên chính quyền địa phương.
Trước đó, theo ghi nhận của PV vào sáng 25/3/2021, một cơ sở chế biến tre luồng nằm trên địa bàn thôn Chảy Khế, xã Thiết Kế có hành vi để nguồn nước ô nhiễm chảy ra đoạn mương nối với sông Mã. Theo thông tin ghi trên một tờ giấy A4 gắn ở cửa phụ ra vào thì đây là xưởng chế biến tre luồng của Công ty TNHH Tân Thái Thanh.
Ngoài ra, tại huyện Bá Thước, một số cơ sở sản xuất chế biến tre luồng “không tên” cũng đổ chất thải ra sông Mã gây ô nhiễm môi trường.
Trước diễn biến phức tạp trên, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa triệu tập cuộc họp bàn phương án truy tìm nguyên nhân khiến các loài thủy sản trên sông Mã, đoạn chảy qua huyện Bá Thước chết hàng loạt.
Lãnh đạo UBND huyện Bá Thước đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp truy tìm nguyên nhân để xác định trách nhiệm nếu có đơn vị xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Mã khiến các loài thủy sản trên sông chết trắng.
Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn xả nước để “thau rửa” nguồn nước ô nhiễm trên đoạn sông Mã đi qua địa bàn huyện để giảm thiểu tình trạng cá chết.
Theo Nông Nghiệp
Ảnh: Các cơ sở chế biến tre luồng trên địa bàn xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) đổ chất thải xây dựng, chất thải sản xuất ra sông Mã. Ảnh: Võ Dũng.
Xem bài viết gốc tại đây: