Sáng ngày 4/2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến về các quy định thủ tục hành chính về môi trường và các vấn đề mới trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020.
Tham dự có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Đất đai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Biến đổi khí hậu, Vụ Pháp chế…
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể hiện những điểm mới, có tính đột phá trong tư duy quản lý, định hướng sự chuyển đổi của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Để Luật được thực thi trong đời sống vào năm 2022, Bộ TN&MT xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể, trong đó, có các điều khoản quy định liên quan đến thủ tục hành chính về môi trường.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo – Ảnh chụp qua màn hình. |
Theo đó, các nội dung về thủ tục hành chính phải dựa trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính. Luật mới phải giảm thiểu thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo quản lý chặt chẽ về môi trường.
“Để đạt được yêu cầu đó, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu liên thông các thủ tục hành chính. Xóa bỏ những thủ tục không cần thiết”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cắt giảm nhiều thủ tục hành chính so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và một số Luật khác (như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi); đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có sửa đổi, bổ sung một số TTHC và ban hành mới một số TTHC.
Cụ thể, thủ tục hành chính được cắt giảm là 04 thủ tục hành chính, gồm: (1) Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; (2) Cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; (3) Cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; (4)Tích hợp nhiều giấy phép về môi trường vào giấy phép môi trường (Xác nhận hoàn thành công trình BVMT; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; vv.).
Thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung hoặc có thể phát sinh trong Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, gồm: (1) Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (cấp Bộ, cấp tỉnh); (2) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường trong trường hợp thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước mà không thuộc trường hợp lập báo cáo ĐTM; bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp (điểm b khoản 4 Điều 37 Luật). (3) Thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản (khoản 7 Điều 67 Luật); (4) Bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (Điều 69 Luật). (5) Điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng (Điều 70 Luật). (6) Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (Điều 71 Luật). (7) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (Điều 110 Luật). (8) Cấp giấy chứng nhận nhãn sinh thái đối với sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 145 Luật).
Dự kiến sẽ có 3 Thủ tục hành chính mới, gồm: (1) Cấp, điều chỉnh, cấp lại, cấp đổi giấy phép môi trường (cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp huyện). (2) Quy định về việc lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, thiết bị thu gom và lưu chứa tạm thời chất thải trong quá trình thẩm định, cấp giấy phép xây dựng (khoản 2 Điều 59 Luật). (3) Đăng ký với cơ quan cấp phép môi trường theo thẩm quyền để được chấp thuận khi có nhu cầu liên kết để vận chuyển các chất thải nguy hại không có trong giấy phép môi trường của mình cho chủ xử lý chất thải nguy hại khác có chức năng phù hợp để xử lý (khoản 5 Điều 85 Luật).
“Như vậy, nếu Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có 10 nhóm thủ tục hành chính lớn, thì Luật Bảm vệ môi trường năm 2020 chỉ có 5 nhóm chính”, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài chỉ rõ.
Đối với các nội dung mới, khó, theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Tổng cục sẽ tổng hợp, trao đổi, thảo luận với các đơn vị, huy động chuyên gia tron và ngoài nước để thống nhất.
Góp ý cho công tác quan trong này, đại diện Vụ Pháp chế, các Tổng cục, các Vụ, Viện khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu kỹ các nội dung kế thừa từ Luật cũ, các nội dung được bãi bỏ hay xây dựng các quy định mới, việc tích hợp các thủ tục để đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Ghi nhận các ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường và Vụ Pháp chế rà soát, thống nhất, tổng hợp thành báo cáo. Trong đó, xem xét những thủ tục nào bãi bỏ, giữ nguyên kế thừa và mới hoàn toàn, các thủ tục liên thông; phân định rõ danh mục thuộc cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện. Đây là cơ sở để Bộ hình thành các dự thảo Nghị định, Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo Tống Minh- Báo TN&MT
Ảnh: Đại diện các đơn vị tham dự theo hình thức trực tuyến – Ảnh chụp qua màn hình.