Kon Tum: Bị phạt sai, doanh nghiệp phản ứng mạnh mẽ (Bài 2)

Sở TN&MT tỉnh Kon Tum khẳng định không sai trong việc phạt doanh nghiệp khai thác sai vị trí. Doanh nghiệp tiếp tục khiếu nại.

Để tìm tiếng nói chung, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đã có buổi làm việc với đại diện Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Nhật Mạnh về quyết định xử phạt khai thác cát sai vị trí. Buổi làm việc kết thúc khi cả hai bên đều khẳng định mình đúng.

Tại buổi làm việc với báo chí, ông Võ Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở, phụ trách về lĩnh vực khoáng sản đã cung cấp cho phóng viên các hình ảnh, video liên quan đến buổi kiểm tra, lập biên bản vào ngày 29/3/2019.

Thời điểm kiểm tra, DNTN Nhật Mạnh có 6 bè (4 bè đang hoạt động với 2 bè trong khu vực và 2 bè ngoài khu vực cấp phép), trong khi giấy phép chỉ được 2 bè hoạt động. Xét về mặt nguyên tắc, trong khu vực khai thác có 6 bè, 2 máy đào, dù 6 bè để im, không làm thì vẫn sai.

Ông Hải cũng khẳng định: DNTN Nhật Mạnh có 3 sai phạm cụ thể: Khai thác ngoài vị trí; Môi trường; Đất đai. Nếu Sở TN&MT sai sẽ chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Bản đồ xác định lại mốc giới của Đoàn địa chất 506. 

Tuy nhiên, DNTN Nhật Mạnh lại tiếp tục khiếu nại lần 2 vì cho rằng Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT Kon Tum xác định vi phạm không đúng. Điều này dựa trên bản đồ khảo sát vị trí thực địa xác định đoàn kiểm tra đứng ngoài phạm vi cấp phép.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng đơn vị có quyền đầu tư bè dự phòng để thay thế cho bè hư hỏng, tránh tình trạng ngưng hoạt động giữa chừng trong quá trình hoạt động khai thác.

Đại diện DNTN Nhật Mạnh phân tích: Hành vi vi phạm hành chính chỉ được xác định khi doanh nghiệp sử dụng phương tiện để vi phạm. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 máy đào để xúc cát lên xe tiêu thụ và 02 bè hút cát ở dưới sông để hút cát lên bãi đúng theo phương án và kế hoạch bảo vệ môi trường. Việc này đã được xác định rõ ràng, cụ thể qua kết quả kiểm tra tại biên bản kiểm tra ngày 29/3/2019.

Theo đại diện DNTN Nhật Mạnh, nếu TN&MT không rút lại quyết định xử phạt thì doanh nghiệp sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án.

Điểm xác định đoàn kiểm tra đứng ngoài ranh giới.

Như vậy, đây là một sự việc rất đơn giản, nhưng cách hành xử giữa đơn vị quản lý Nhà nước về khoáng sản và đơn vị khai thác đã vô tình khiến nó trở nên phức tạp. Thiết nghĩ, với một doanh nghiệp nhỏ đóng chân trên địa bàn tỉnh, rất cần được sự hỗ trợ, tư vấn pháp lý nhiều hơn của cơ quan ban ngành địa phương để họ hoạt động sản xuất minh bạch đúng theo yêu cầu của pháp luật.

Mai Trung

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Đại diện doanh nghiệp chỉ nơi đoàn kiểm tra đứng.