Gia cảnh khó khăn của nữ công nhân vệ sinh môi trường ở Hưng Yên

Chị Hà Thị Lượt sinh năm 1981, là công nhân Đội Vệ sinh môi trường số 1, trực thuộc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên từ năm 1998.

Chị Lượt là người xã Liên Phương, về làm dâu ở Đội 3, thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu, TP. Hưng Yên từ năm 2002. Chị có 2 con trai, cháu lớn Lê Đức Trọng sinh năm 2003, cháu thứ 2 Lê Văn Tú, sinh năm 2005 bị thiểu năng trí não, không thể đến trường đi học.

Chồng chị Lượt là phụ xây dựng nhưng do sức khoẻ yếu, ngày làm ngày nghỉ nên kinh tế của cả nhà chủ yếu trông vào đồng lương của chị, là lao động chính trong nhà.

Hàng ngày, chị bắt đầu làm việc lúc 16 giờ chiều cho đến khoảng 23 giờ – 0 giờ sáng hôm sau. Đội 1 của chị có hơn 40 chị em công nhân, nhóm của chị gồm 5 chị em chịu trách nhiệm quét dọn thu gom rác các tuyến phố Điện Biên 1, Nguyễn Trãi, Hoàng Thị Loan và Hồ Xuân Hương, riêng chị Lượt đảm nhận cung đường dài hơn 1km trên đường Hoàng Thị Loan, qua cổng chợ trung tâm thành phố Hưng Yên.

Chị cho biết mỗi đêm làm việc, chị quét dọn, thu gom và đẩy khoảng 5 xe rác về điểm tập kết để xe ô tô chuyển đi, mỗi xe khoảng 3 tạ. Mỗi đêm ước tính có khoảng 1,5 tấn rác được thu gom từ đôi bàn tay người công nhân có vóc dáng gầy nhỏ như chị.

Công việc vất vả và nguy hiểm rình rập trong đêm vắng cũng không làm chị bớt yêu nghề, bởi khi trò chuyện với chúng tôi, sự cởi mở, ánh mắt lạc quan được thể hiện qua ánh mắt và nụ cười của chị.

Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên, chị Lượt là nữ công nhân có tinh thần làm việc tốt, luôn hoàn thành chỉ tiêu và nhiệm vụ được phân công, là người sống chan hoà, cởi mở với chị em đồng nghiệp, đối với người dân có sự tương tác, hợp tác tốt.

Được sự giới thiệu của cơ quan nơi chị làm việc cũng như của lãnh đạo địa phương nơi gia đình chị sinh sống, chúng tôi đến thăm nhà chị Lượt. Khi đến nhà, chỉ có cháu Tú đón chúng tôi, không chào không hỏi, ngô nghê đứng nhìn, nói và ra hiệu mãi cháu mới hiểu là phải xích con chó lại.

Nhà chị có một gian một chái nền đất, tất cả khoảng 25m2, lợp fibro- xi măng, được cha mẹ chồng chị chia cho khi ra ở riêng. Ngày mưa ngấm dột, ngày nắng nóng như trong lò bánh mỳ, kể cả công trình phụ và bếp đun vẫn nguyên trạng như từ mấy chục năm trước, xuống cấp, mục nát, ẩm thấp, nhiều chỗ phải căng bao tải dứa và nilon chống mưa nắng. Đồ dùng sinh hoạt trong nhà không có gì đáng kể ngoài 2 chiếc giường cũ bố mẹ chồng cho từ ngày cưới. 

tm-img-alt

tm-img-alt

tm-img-alt

tm-img-alt

tm-img-alt

tm-img-alt

tm-img-altNhững hình ảnh gian nhà ở và công trình phụ của gia đình chị Lượt.

Chị Lượt cho biết, có sào ruộng cấy gia đình chị cũng đã phải bán đi để sửa sang những chỗ dột nát cấp thiết nhất và mua được cái xe máy để cả nhà có cái đi lại và đi làm.

Chia tay với chúng tôi, chị Lượt mong muốn được sự quan tâm của lãnh đạo Công ty CP Môi trường & Công trình đô thị Hưng Yên và BTC chương trình nhân văn ” Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam khởi xướng, giúp chị có cơ hội xây sửa lại cho gia đình gian nhà hiện đang ở đã bị xuống cấp, để cả nhà được vui sống, bản thân chị yên tâm trong công việc, công tác, được tiếp tục gắn bó, yêu nghề mà chị đã lựa chọn, gắn bó trong suốt 26 năm qua./.

Thái Minh Châu

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Từ phải qua: Ông Lê Văn Lộc – Phó thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu, TP. Hưng Yên cùng chị Lượt, chồng chị Lượt và cháu Tú.