Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đã được hoàn thành, theo đó sẽ phát triển mô hình chùm đô thị, gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh.
Đã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đến nay đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố…
Về mô hình cấu trúc phát triển, theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô, TP.Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng thủ đô và quốc gia.
Định hướng điều chỉnh cơ bản kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô được phê duyệt: Chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm gồm khu vực đô thị phía nam sông Hồng; khu vực đô thị Long Biên, Gia Lâm và thành phố phía bắc thuộc các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; thành phố phía tây, gồm đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai; các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên.
Về hệ thống đô thị, phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm. Về hệ thống nông thôn, phát triển theo chương trình nông thôn mới và định hướng quy hoạch chung, gắn bó hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống; hình thành các cụm công nghiệp văn hóa gắn với phát triển làng nghề truyền thống, phát triển kinh tế, phục vụ du lịch, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với chuỗi dịch vụ phục vụ đô thị…
Đồ án cũng đã thống nhất với quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng có 5 trục không gian chính:
Trục không gian sông Hồng phát triển là không gian xanh trung tâm của đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của thủ đô Hà Nội, phát triển đô thị, công viên sinh thái hai bên sông, trị thủy, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch hai bên sông.
Trục Hồ Tây – Ba Vì, kết hợp đồng bộ không gian đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6; xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long – Xứ Đoài, kết nối trung tâm thủ đô với thành phố phía tây và kết nối các tỉnh lân cận. Nghiên cứu lần này chỉnh hướng tuyến giao thông trục Hồ Tây – Ba Vì phù hợp với điều kiện thực tế, không gian cảnh quan và tính khả thi triển khai đầu tư xây dựng.
Trục không gian Hồ Tây – Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử. Bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng dọc trục, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích thành Cổ Loa trở thành không gian văn hóa lịch sử và văn hóa sáng tạo của tương lai.
Trục Nhật Tân – Nội Bài là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại (kết hợp đồng bộ với không gian trục Bắc Thăng Long – Nội Bài), kết nối với các tỉnh phía bắc, tây bắc và đông bắc, hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, đường xuyên Á, gắn với cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài và thành phố phía Bắc.
Phát triển mới trục không gian phía nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình – Ba Sao – Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long – Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn – Tam Chúc, sân bay thứ 2 vùng thủ đô và đô thị vệ tinh Phú Xuyên, đồng bộ với trục quốc lộ 1A, 1B, đường Hồ Chí Minh, kết nối cao tốc tây bắc và các tỉnh phía nam, tạo dư địa và động lực phát triển mới.
Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện đã chỉ ra được 7 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế cơ bản trong quy hoạch.
Nhận diện 5 “điểm nghẽn” phát triển thủ đô
Nhìn nhận về một số nội dung chủ yếu của quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch thủ đô), GS-TS Hoàng Văn Cường đại diện Liên danh tư vấn quy hoạch thủ đô nhận diện 5 “điểm nghẽn” trong phát triển thủ đô hiện nay.
Đó là thiếu thể chế; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, đường sắt đô thị chưa phát triển; quy hoạch đô thị và các quy chuẩn kèm theo quy hoạch; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng chống lũ và năng lực, ý thức và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ dám làm trong thực thi công vụ.
Định hướng quy hoạch thủ đô, GS Cường nêu 5 quan điểm chung phát triển thủ đô. Trong đó, quan điểm hàng đầu là phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan tỏa và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía bắc và cả nước; tạo dựng được hình ảnh, vị thế phồn vinh, thịnh vượng của quốc gia trên trường quốc tế; làm hình mẫu lan tỏa cho phát triển của vùng, đi trước cả nước những chỉ tiêu về nước công nghiệp và phát triển.
Trong khi đó, cựu Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận quy mô đặt ra trong quy hoạch thủ đô là khá hạn hẹp. Tại sao chỉ nghĩ quy hoạch đến năm 2065 mà không đến năm 2100, hoặc tại sao không đặt vấn đề Hà Nội là trung tâm phát triển của vùng, khu vực, mà mới chỉ là trung tâm của cả nước.
“Việc quy hoạch thủ đô thời gian qua đã có bước tiến vượt bậc song vẫn còn một số số hạn chế như hướng phát triển không rõ ràng theo trục nào, trong 5 trục thì trục nào là trục chính? Bên cạnh đó, tư duy quy hoạch không theo kịp phát triển. Vấn đề nữa là xây dựng không gian ngầm, nếu không có không gian ngầm thì đừng nói đến phát triển”, ông Hiển nêu.
Vì vậy, phải quy hoạch đô thị theo không gian 4 chiều, có quá khứ, hiện tại và tương lai; đồng thời quy hoạch hệ thống ngầm, không gian ngầm. Riêng về giao thông, phải hướng tới ưu tiên giao thông công cộng và xử lý hợp lý giao thông cá nhân; đồng thời cần phát triển giao thông đường thủy.
Đảm bảo tính khả thi
Để khắc phục, đồ án điều chỉnh quy hoạch lần này đã tập trung rà soát các giải pháp quy hoạch để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là các đề xuất quy hoạch liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng, chuyển đổi sử dụng đất; phân kỳ thực hiện quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm với các chương trình dự án cụ thể, gắn với khả thi về huy động nguồn lực.
Phối hợp đa ngành trong thực hiện quy hoạch, kết hợp với các giải pháp tích hợp đa ngành đã được đề xuất trong quy hoạch thủ đô Hà Nội, để có sự thống nhất; có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy việc thực hiện quy hoạch được nhanh chóng, đúng kế hoạch và đáp ứng mục tiêu đặt ra; giải pháp quy hoạch phải thích ứng, linh hoạt để ứng phó với các vấn đề biến đổi nhanh của kinh tế – xã hội và các vấn đề phát sinh khác.
Hiện nay, đồng thời với nghiên cứu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đồng bộ với quy hoạch thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn thành phố, trong đó đã đề xuất những nội dung về phân vùng thực hiện, tiến độ, lộ trình thực hiện, nguồn lực triển khai thực hiện, các khu vực trọng tâm, trọng điểm phát triển, các khu vực cần bảo tồn, phát huy giá trị, phương án hài hòa triển khai đầu tư, quản lý phát triển khu vực đô thị – nông thôn…, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn để đề xuất Thành ủy xem xét, thông qua sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội và quy hoạch thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyết Nhung/MTG
Theo Một Thế Giới
Ảnh: Hà Nội lấy sông Hồng làm trục xanh, cảnh quan trung tâm
Xem bài viết gốc tại đây:
https://1thegioi.vn/ha-noi-se-phat-trien-5-do-thi-ve-tinh-209140.html