(Phapluatmoitruong.vn) – Bức xúc trong việc đền bù, thu hồi đất không minh bạch, nhiều người dân liên tục kêu cứu!
Mấy ngày qua, một số hộ dân ở thị trấn Mộ Đức (huyện Mộ Đức) và xã Phổ Phong, phường Phổ Ninh (TX. Đức Phổ) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu sớm giải quyết về đền bù, thu hồi đất để làm đường cao tốc theo đúng “khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, ngày 25/5/2022 của Bộ Giao thông Vận tải.
Trong đơn nêu rõ: “Hiện Dự án đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi) có chiếm dụng nhiều diện tích đất sản xuất và trồng cây công nghiệp lâu năm của bà con vùng kinh tế mới Đá Bàn, thị trấn Mộ Đức. Hàng chục ha ruộng, đất của người dân trong vùng dự án cao tốc chỉ mới bồi thường về đất ruộng 35.000 đồng/m2, còn đất màu chưa thực hiện giao theo Nghị định 64 nên không đền bù. Trong khi phần lớn diện tích sản xuất nơi đây giáp đường liên huyện, trồng cây công nghiệp dài ngày cũng như ao nuôi trồng thủy sản…Việc chưa được hỗ trợ, đền bù là không đúng khung chính sách bồi thường theo quy định”.
Ngoài ra, nhiều hộ dân ở phường Phổ Ninh và thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong (TX. Đức Phổ) cũng đã có đơn kiến nghị, nêu rõ: “Hiện nhiều bà con trong vùng dự án cao tốc bức xúc về đền bù, thu hồi đất không đúng Luật đất đai năm 2013. Khi dự án đường cao tốc đi qua, UBND xã Phổ Phong không xác định rõ nguồn gốc đất khai hoang, cải tạo trước đây của dân, mà cho là đất do xã quản lý theo “sổ mục kê đất đai” và sổ ghi của thôn trưởng “phân chia đất đai theo Nghị định 64-CP”. Hiện tại, diện tích khai hoang, cải tạo đất khoảng 40 thửa với 20 hộ dân ở thôn Vĩnh Xuân đã bị thu hồi đất, nhưng không đền bù, hỗ trợ cho bà con”.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, “Khi kiểm đếm, xác định chủ sử dụng đất, tài sản thực tế, người dân đã kê khai và đã tổ chức kiểm đếm, thống kê xác định chủ sử dụng đất, tài sản trên đất (đơn vị làm công tác bồi thường đi thực địa có người dân tham gia). Hồ sơ này đã được báo cáo lên cấp trên và báo cáo đến Bộ GTVT – Chủ dự án đường Cao tốc Bắc-Nam đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn và thống kê vào văn bản có tên “Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”, ngày 25/5/2022 của Bộ Giao thông Vận tải. Dự toán kinh phí chi trả do thu hồi đất đã nêu cụ thể trong khung chính sách này.
Theo đó, trách nhiệm của UBND cấp xã, phường là tham gia theo thẩm quyền với các cơ quan đo đạc địa chính, xác định chính xác số lượng và các loại đất bị thu hồi, các tiêu chí về đất và chủ sử dụng đất trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định thu hồi đất.
Đất trồng cây lâu năm của dân bị san lấp làm cao tốc nhưng không được đền bù.
Trách nhiệm của xã, phường thực hiện xác nhận đất đai, tài sản của người bị thu hồi về các nội dung liên quan như: Nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, các đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, các trường hợp bị ảnh hưởng đời sống, sản xuất khi thu hồi đất nông nghiệp và các vấn đề có liên quan theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về nội dung của việc xác nhận nguồn gốc đất đai”.
Còn theo Văn phòng Đoàn Luật sư Quảng Ngãi: “Căn cứ xác nhận đất công ích theo Nghi định 64-CP, ngày 27/9/1993 thì việc đất không chia theo Nghị định 64-CP mà người dân đã đưa vào sử dụng và tiếp tục sử dụng thì UBND cấp xã chỉ được thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai theo quy định từ Điều 22 đến Điều 28 Luật đất đai 2013, còn quyền sử dụng đất đã thuộc về người dân đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật đất đai 2013”.
Bà con vùng Kinh tế mới Đá Bàn bức xúc vì bị thu hồi đất nhưng không được đền bù.
“Hiện nay, số diện tích bị thu hồi làm cao tốc do người dân khai hoang, phục hóa, đưa đất trống vào tăng gia sản xuất vì thấy đất bỏ trống lãng phí và đất không thực hiện được theo Nghị định 64-CP thì không phải là đất công ích. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đủ điều kiện đền bù khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (theo Điều 75, Điều 77- Luật đất đai 2013 và Điều 13-NĐ 47/2014/NĐ-CP; Điều 18, 20, 22 25, 27 và 28 của NĐ 43/2014/NĐ-CP thì được bồi thường về đất”, VP Đoàn Luật sư Quảng Ngãi khẳng định.
Người dân bức xúc làm đơn kiến nghị.
Ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị điện tử, tại thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong ngoài 20 hộ dân nói trên, đã có trường hợp người dân nhận được bản phương án bồi thường, nhưng sau đó UBND xã Phổ Phong lại tự ý xác định đất đó do UBND xã quản lý nên gia đình không được bồi thường. Riêng hộ ông Phan Phú đã có đơn yêu cầu UBND xã Phổ Phong xác nhận nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai trước khi có Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, nhưng UBND xã Phổ Phong không giải quyết và cũng không trả lời cho dân…
Không rõ UBND xã Phổ Phong biến hóa thế nào mà đất của dân biến thành đất UBND xã quản lý. Phải chăng UBND xã Phổ Phong đã thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật về hành chính và không thực hiện mệnh lệnh của cấp trên được thể hiện trong văn bản “khung chính sách bồi thường đã được nhà nước qui định trong công tác bồi thường, thu hồi đất và GPMB…”?, mặc cho người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Trí – Nguyễn Dũng
(Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
Ảnh: Người dân thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong cải tạo đất hoang, sản xuất hơn 30 năm qua vẫn không được đền bù.
Xem thêm tại đây: Quảng Ngãi: Dân bức xúc về đền bù, GPMB dự án cao tốc