Quảng Ngãi: Dân bức xúc về đền bù, GPMB dự án cao tốc

(Phapluatmoitruong.vn) – Nhiều hộ dân đang bức xúc về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi.

Theo đơn đã ký của 28 hộ dân ở khu dân cư 17, tổ dân phố 3, thị trấn Mộ Đức (huyện Mộ Đức), việc thu hồi đất trong dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua Quảng Ngãi nhưng chưa được đền bù đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Nhiều hộ dân cho rằng: “Từ tháng 6/1984, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đi kinh tế mới theo Quyết định số 95-CP, ngày 27/03/1980 của Hội đồng Chính phủ. Hàng chục hộ dân ở xã Đức Tân 3, huyện Mộ Đức đã bị đưa đến vùng đất hoang vu, rừng núi để xây dựng vùng kinh tế mới Đá Bàn. Ở đây, bà con đã tự khai hoang, cải tạo đất để sản xuất lúa và trồng cây công nghiệp dài ngày, đảm bảo sinh sống từ đó đến nay, không ai vi phạm pháp luật. Vùng đất này trước đây thuộc HTXNN Đức Tân 3 (nay là HTXNN Vĩnh Trường, thị trấn Mộ Đức) đã cung cấp giống đào lộn hột cho bà con trồng và chăm sóc, thu hoạch. Bà con nơi đây sau đó cũng đã khai hoang mở rộng nhiều diện tích trồng cây lâu năm khác như huỳnh đàn, ổi, dừa, chuối… và đào ao nuôi trồng thủy sản”.

Ông Đỗ Thơ, đại diện người dân trong vùng dự án, cho hay: “Từ khi lên vùng kinh tế mới Đá Bàn, người dân tự khai hoang trồng cây công nghiệp dài ngày. Toàn bộ đất sản xuất ở đây không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện cũng như không nhận được ý kiến, văn bản nào của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến việc canh tác và chuyển đổi cây trồng hay nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, vùng đất này, bà con đã khai hoang, canh tác gần 40 năm qua, nhưng đến nay thị trấn Mộ Đức vẫn chưa thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nơi đây”.

“Hiện nay, dự án đường cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi) có lấy nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con vùng kinh tế mới Đá Bàn, thị trấn Mộ Đức, nhưng chỉ bồi thường 35.000 đồng/m2 là chưa thỏa đáng. Phần lớn diện tích sản xuất nơi đây giáp đường liên huyện, trồng cây công nghiệp dài ngày, nhưng không được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại về cây trồng trên đất cũng như ao nuôi trồng thủy sản” – ông Thơ bức xúc.

Bà con khu dân cư 17, thị trấn Mộ Đức, kiến nghị về công tác đền bù đất đai.

Đất trồng cây lâu năm của dân trong vùng dự án cao tốc chưa được đền bù.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị điện tử, Chủ tịch UBND thị trấn Mộ Đức Nguyễn Tấn Nông cho biết: “Địa phương chưa nắm rõ diện tích sản xuất ở Đá Bàn, huyện Mộ Đức có phải là vùng kinh tế mới hay không. Hiện tại, thị trấn Mộ Đức mới thực hiện giao ruộng đất theo Nghị định 64-CP, còn đất màu chưa thực hiện. Nhiều diện tích sản xuất trồng cây hàng năm và diện tích đất màu do thị trấn quản lý, nhưng người dân lại khai hoang, chuyển đổi trồng cây lâu năm và đào ao nuôi cá…, nên việc đền bù, thu hồi đất đang gặp nhiều khó khăn”.

“Do còn vướng mắc trong công tác bồi thường, chậm GPMB, nên vừa qua, UBND thị trấn Mộ Đức đã thành lập nhiều tổ công tác đến từng nhà vận động người dân giao đất cho dự án. Mặt khác, thị trấn cũng đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi thành lập tổ kiểm tra, rà soát lại trường hợp nào bồi thường chưa hợp lý; nếu đủ điều kiện, tỉnh xem xét sẽ giải quyết quyền lợi chính đáng cho bà con”, ông Nông nhấn mạnh.

Người dân Khu kinh tế mới Đá Bàn, thị trấn Mộ Đức, bức xúc về công tác đền bù.

Ngoài Mộ Đức, khi đến thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ, PV cũng ghi nhận những kiến nghị, bức xúc của hàng chục hộ dân bị thu hồi đất trong vùng dự án.

Ông Đoàn Đức Thịnh, đại diện người dân thôn, cho biết: “Sau giải phóng, vùng đất này khô cằn, không có nước sản xuất, nên hàng chục ha bỏ hoang, cây cối, cỏ dại mọc tràn lan. Người dân trong thôn tự bỏ tiền, công sức khai hoang, cải tạo đất và đã sản xuất liên tục hơn 40 năm qua mà địa phương không có ý kiến, văn bản nào hướng dẫn làm sổ đỏ hoặc thuê đất do xã quản lý.

Không chỉ vậy, hàng chục ha đất nơi đây đã được người dân đầu tư nhiều tỷ đồng và đưa vào sản xuất nông nghiệp trước Chỉ thị 100, Khoán 10 và ngay khi thực hiện Nghị định 64-CP, UBND xã cũng không chia loại đất này cho dân. Hiện tại, khi dự án đường cao tốc đi qua, UBND xã Phổ phong không xác định rõ nguồn gốc đất khai hoang, cải tạo trước đây của dân, mà cho là đất do xã quản lý theo “sổ mục kê đất đai” và sổ ghi của thôn trưởng “phân chia đất đai theo Nghị định 64-CP”. Từ đó, hầu hết diện tích khai hoang, cải tạo đất khoảng 40 thửa với 20 hộ dân ở thôn Vĩnh Xuân đã bị UBND thị xã Đức Phổ ra Quyết định thu hồi đất, nhưng không đền bù, hỗ trợ, gây bức xúc cho bà con”.

Người dân thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong bức xúc vì bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND xã Phổ Phong Phan Tiến Định: “Trước đây, nhiều vùng không có nước nên xã không thực hiện chia ruộng, đất theo Nghị định 64. Người dân tự đầu tư vốn, công sức khai hoang, cải tạo đất đưa vào sản xuất nông nghiệp. Có người đã chuyển đất kém hiệu quả sang trồng keo, cây công nghiệp, nhưng trong “sổ mục kê đất đai” lại ghi đất do xã quản lý. Đây là vấn đề rất phức tạp đối với địa phương, nhất là khi người dân bị thu hồi đất, nhưng không được bồi thường hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày”.

“Khi thực hiện thu hồi đất của dân, xã đã tiến hành kiểm kê, rà soát và tổ chức họp dân công khai xác định đất nào của dân, đất nào xã quản lý, từ đó mới thấy sai sót, tồn tại trong quản lý đất đai của địa phương. Nhiều diện tích lâu nay dân khai hoang phục hóa và sản xuất gần 40 năm qua mà xã không kê khai, quản lý đã gây thiệt hại cho bà con. Chủ tịch xã sẵn sàng chịu trách nhiệm sai sót trước dân, chứ xác thực nguồn gốc đất khai hoang để đền bù cho 20 hộ dân nêu trên là không thể…” – ông Định nói.  

Người dân thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong kiến nghị giải quyết về đền bù trong vùng dự án cao tốc.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Võ Minh Vương cho rằng, “Việc xác định nguồn gốc đất đai là do thẩm quyền của chủ tịch xã. Đất chia theo Nghị định 64-CP để lại không quá 5% gọi là đất công ích (nếu là đất đầu thừa, đuôi thẹo rải rác vẫn là đất công ích). Nếu xác định đất do người dân khai hoang, cải tạo đưa vào sản xuất lâu nay không ai tranh chấp… thì vẫn được bồi thường và cấp Quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trường hợp 20 hộ dân ở thôn Vĩnh Xuân, xã Phổ Phong bị thu hồi đất chưa được đền bù cũng cần làm rõ, xem xét cụ thể đơn kiến nghị, nếu đủ điều kiện pháp lý thì sớm giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân…”.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

                                                   Minh Trí – Nguyễn Dũng

                                          (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)

Ảnh: Dự án đường cao tốc, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi, đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.