Ngày 18/5, Ủy ban về ô nhiễm và sức khỏe của Tạp chí Lancet công bố báo cáo cho biết tác động từ ô nhiễm đối với sức khỏe toàn cầu vẫn lớn hơn nhiều so với chiến tranh, khủng bố, sốt rét, HIV, lao, ma túy và rượu.
Bản đánh giá cho thấy ô nhiễm không khí – chiếm tổng cộng 6,7 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019 – đã leo thang cùng với tình trạng biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, nguồn gốc chính của cả hai vấn đề trên đều là tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và nhiên liệu sinh học. Cứ 6 ca tử vong sớm trên toàn cầu thì có 1 ca là do ô nhiễm. Con số này không thay đổi kể từ lần đánh giá gần nhất vào năm 2015.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự giảm tỷ lệ tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà, nguồn nước và điều kiện vệ sinh không đầy đủ, với những cải thiện lớn được chứng kiến ở châu Phi. Nhưng những ca tử vong sớm liên quan đến quá trình công nghiệp hóa – ô nhiễm không khí ngoài trời và hóa chất – đang gia tăng, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Á.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, ô nhiễm không khí bao quanh đã gây ra khoảng 4,5 triệu cái chết chết vào năm 2019, tăng lên so với 4,2 triệu người năm 2015 và chỉ 2,9 triệu người năm 2000. Tình trạng ô nhiễm hóa chất cũng ngày càng gia tăng, riêng nhiễm độc chì đã khiến 900.000 người chết.
Tác giả chính của nghiên cứu Richard Fuller cho biết, thực tế là tình trạng nhiễm chì ngày càng trở nên tồi tệ hơn, chủ yếu ở các nước nghèo và làm gia tăng số lượng người chết. Bệnh tim là nguyên nhân của hầu hết tất cả các trường hợp tử vong sớm do tiếp xúc với chì – một loại chất gây xơ cứng động mạch.Ước tính, hiện nay có hàng trăm triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi nồng độ chì tăng cao trong máu nên sẽ gặp vấn đề về phát triển của não và mất chức năng nhận thức nghiêm trọng. Chì cũng có liên quan đến sự gia tăng đột biến các ca rối loạn hành vi và làm giảm năng suất kinh tế, với thiệt hại kinh tế toàn cầu ước tính gần 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Ngày càng có nhiều bằng chứng về sự ô nhiễm vượt qua phạm vi lãnh thổ quốc gia và xuất hiện trong gió, nước và chuỗi thức ăn. Các cơn gió trên toàn cầu đã vận chuyển ô nhiễm không khí từ Đông Á đến Bắc Mỹ, từ Bắc Mỹ đến châu Âu, và từ châu Âu đến Bắc Cực và Trung Á.
Tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi mịn trong khí thải từ ô tô xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác có thể gây nhồi máu cơ tim, đột ngụy và các vấn đề sức khỏe khác. Những vật chất này nhỏ đến mức mà khi một người hít phải, chúng có thể chạy sâu tới phổi hoặc mạch máu của người đó.
Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí, dù ở dưới mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng có thể dẫn đến cơn đau tim chỉ trong vòng một giờ. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc, được công bố ngày 22/4 trên tạp chí Circulation của Hiệp hội tim mạch Mỹ.
Trong khi đó, ngũ cốc, hải sản, sô cô la và rau quả được sản xuất để xuất khẩu ở các nước đang phát triển có thể bị ô nhiễm do đất và nước bị ô nhiễm chì, asen, cadmium, thủy ngân và thuốc trừ sâu.
Báo cáo của Lancet nêu rõ điều này ngày càng đe dọa đến an toàn thực phẩm toàn cầu, đồng thời cảnh báo việc tìm thấy các kim loại độc hại trong sữa công thức và thức ăn cho trẻ em cần được quan tâm đặc biệt.
Bảo Ngọc (T/h)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh hoạ. ITN