Mới đây, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành Công văn số 389/TCKTTV-QLDB về việc khai thác, sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu ý kiến
Thông tin cho biết, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận được Công văn số 181/VPTT của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai gửi Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão có thể xuất hiện sớm so với quy luật ngày 3/4/2022.
Trong Công văn số 181/VPTT đã nêu “theo thông tin tham khảo từ các cơ quan dự báo quốc tế (windy, ventusky,…), khoảng từ ngày 7-8/4, có khả năng xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam biển Đông và 2 cơn bão phía Đông Philippin có khả năng đi vào biển Đông” và đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang triển khai ứng phó. Sau khi rà soát các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn và xem xét thông tin, dữ liệu thu nhận được, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có ý kiến như sau:
Tương tự như nhiều trang tin điện tử khác, các trang www.windy.com, www.ventusky.com nêu trong Công văn số 181/VPTT chỉ đơn thuần hiển thị các sản phẩm dự báo khách quan từ các mô hình thời tiết toàn cầu như GFS của Hoa Kỳ, IFS của Châu Âu, CME và ICON của Đức, vv…
Sản phẩm của các mô hình này thường thay đổi liên tục, cùng dự báo một đối tượng (như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn) cho cùng một thời điểm, nhưng các kết quả dự báo ngày hôm trước và ngày hôm sau có thể rất khác nhau, thậm chí thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, vẫn cần phải có sự phân tích, đánh giá các sản phẩm tham khảo này theo các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn về khí tượng thủy văn, cùng với việc khai thác, sử dụng nhiều thông tin, dữ liệu khác trong quá trình tác nghiệp, mới có thể đưa ra được các bản tin dự báo chính thức có độ tin cậy cao.
Dự báo xu thế thiên tai trong năm 2022
Nhận định về khả năng xuất hiện ATNĐ/bão trong 10 ngày tới.
Cùng với sự hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc trong thời gian từ 04 đến 07/4, rãnh áp thấp xích đạo đang dần được thiết lập và mạnh dần lên. Rãnh áp thấp xích đạo hoạt động mạnh từ ngày 08/4 sẽ khiến cho khả năng hình thành ATNĐ/bão trên khu vực Nam Biển Đông tăng dần. Cụ thể:
Từ ngày 05-08/4: Khả năng xảy ra XTNĐ trên khu vực Nam Biển Đông là rất thấp (<10%)
Từ 09-12/4: Khả năng xảy ra XTNĐ trên khu vực Nam Biển Đông là trung bình (34-50%)
Sau ngày 12/4: Các dự báo về khả năng xuất hiện ATNĐ/bão cho giai đoạn này hiện nay có độ tin cậy thấp.
Tổng cục KTTV tiếp tục theo dõi chặt chẽ và có các thông tin dự báo, cảnh báo về các loại hình thiên tai gửi đến Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai theo đúng các quy định hiện hành.
+ Hiện tượng ENSO
Dự báo xu thế nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục trong pha lạnh và hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến khoảng giữa năm 2022 với xác suất khoảng 65-70%, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng nửa cuối năm 2022. Trong những năm xảy ra sự chuyển pha của ENSO như năm 2022, các hiện tượng thời tiết, khí hậu như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ… thường có những diễn biến trái quy luật.
+ Bão, áp thấp nhiệt đới
Bão, áp thấp nhiệt nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên khu vực Biển Đông sớm hơn so với TBNN, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông và 05-06 cơn có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta, thấp hơn đến xấp xỉ so với TBNN (TBNN khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-7 cơn).
+ Mưa lớn
Mùa mưa có khả năng đến sớm trên khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 4 và tháng 5/2022. Riêng Tây Nguyên và Nam Bộ, thời kỳ nửa đầu mùa mưa (tháng 6-8/2022) có lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN.
Thời kỳ tháng 7-9/2022 mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 9-11 ở mức xấp xỉ TBNN.
Hiện chưa có dấu hiệu xuất hiện mưa lớn dồn dập ở miền Trung như trong năm 2020 và 2021. Các dự báo chi tiết hơn sẽ được Tổng cục KTTV cập nhật trong các bản tin dự báo mùa định kỳ.
+ Lũ, ngập lụt:
Khu vực Bắc Bộ:
Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2, phổ biến cao hơn năm 2021, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-BĐ3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8).
Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên:
Lũ trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên đến sớm hơn TBNN, ở khu vực Trung, Nam Trung Bộ xuất hiện tương đương TBNN. Đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính khu vực Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2 (xấp xỉ TBNN và cao hơn năm 2021); các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN.
Khu vực Nam Bộ:
Mùa lũ 2022 trên sông Mê Công khả năng đến sớm hơn so với TBNN, nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ lớn ở Đồng bẳng sông Cửu Long; nhận định đến cuối tháng 7, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc dao động ở mức 2,2-2,6m. Đỉnh lũ năm 2022, ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, thấp hơn TBNN từ 0,3-0,5m.
+ Nắng nóng
Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2022 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn TBNN, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ. Dự báo nắng nóng có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt, không kéo dài.
+ Hạn hán, nguồn nước
tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 5-20% so với TBNN, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô, riêng thượng lưu sông Gâm và sông Chảy ở mức xấp xỉ TBNN.
Trong tháng 5,6/2022, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn thường cần xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu nói chung, bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nói riêng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trên phạm vi cả nước để góp phần phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển bền vững, bảo đảm sự an toàn của người dân, cộng đồng trong bối cảnh thiên tai có nhiều diễn biến bất thường, cực đoan như hiện nay. |
Bùi Hằng – Tạp chí KTMT
Theo Kinh tế Môi trường
Ảnh: Ảnh minh họa
Xem bài viết gốc tại đây: