Các nhà khoa học thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, thềm băng có kích thước 1.200 km2 ở Nam Cực đột nhiên sụp đổ và đây là một hiện tượng bất thường.
Ảnh vệ tinh NASA đã ghi lại toàn bộ quá trình thềm băng Conger có kích thước gần bằng thành phố Rome ở phía đông Nam Cực sụp đổ, tách khỏi nhánh sông băng chính vào khoảng ngày 15/3.
Các nhà khoa học NASA cho biết rất khó để xác định xem nhiệt độ cao ở Nam Cực có dẫn đến sự sụp đổ thêm của các thềm băng hay không. Tuy nhiên trạm quan trắc Concordia báo cáo nền nhiệt trong khu vực phía đông nam Cực ngày 18/3 chỉ ở mức -11,8 độ C, ấm hơn 40 độ C so với nhiệt độ trung bình theo mùa. Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ này là kết quả của hiện tượng “sông khí quyển”, dòng khí ấm khổng lồ cuộn quanh khu vực gây ra.
Thềm băng là phần mở rộng của các tảng băng trôi trên đại dương. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn dòng chảy của băng trên lục địa ra biển. Nếu không có chúng, băng trong đất liền sẽ chảy nhanh hơn tràn ra đại dương khiến mực nước biển dâng cao.
Tiến sĩ Catherine Colello Walker, nhà khoa học nghiên cứu về Trái Đất tại NASA và Viện Hải dương học Woods Hole nói, dù Conger tương đối nhỏ nhưng sự sụp đổ của thềm băng này là một trong những sự kiện nghiêm trọng ở Nam Cực kể từ năm 2000, sau khi thềm băng Larsen B tan chảy.
Hải Thanh (T/H)
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh vệ tinh cho thấy thềm băng Conger đã bị tách ra khỏi tảng băng trôi C-38 và sụp đổ sau đó. Ảnh: USNIC