Quy định mức thu tiền sử dụng khu vực biển; giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng… là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 12/2021.
Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng
Từ 01/12/2021, Nghị định 103/2021/NĐ-CP về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực thi hành.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022:
Bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP và các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Đơn cử như: Theo Nghị định 20/2019/NĐ-CP thì mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10%, nếu được giảm 50% thì mức thu lệ phí trước bạ sẽ giảm còn 5%.
Nghị định 103/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022.
11 thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Theo Quyết định 31/2021/QĐ-TTg về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia (có hiệu lực từ ngày 09/12/2021), các thông tin cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm có:
– Thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, quyết định công bố thủ tục hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
– Thông tin hướng dẫn, hỏi đáp thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghĩa vụ tài chính có liên quan.
– Thông tin, thông báo về tiếp nhận, trả kết quả, hướng dẫn hoàn thiện, bổ sung hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, về tình hình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
– Thông tin tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
– Thông tin về đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khảo sát sự hài lòng của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
– Thông tin báo cáo, số liệu, thống kê liên quan đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công khác.
– Thông tin địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử hướng dẫn của các cơ quan, cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính; thông tin chủ quản, quản lý, duy trì hoạt động Cổng Dịch vụ công; thông tin đường dây nóng, tổng đài hỗ trợ.
– Thông tin về nghĩa vụ tài chính và thanh toán nghĩa vụ tài chính qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
– Thông tin về dịch vụ bưu chính công ích trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
– Thông tin về điều khoản sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia.
– Các thông tin khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn phòng, chống thiên tai đối với công trình
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-BNNPTNT quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử; điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác.
Trong đó, Thông tư nêu rõ quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai; hằng năm, rà soát, đánh giá, tổng hợp báo cáo UBND cấp tỉnh các trọng điểm xung yếu và phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đối với công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi quản lý trước mùa lũ 15 ngày.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai hướng dẫn việc triển khai thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thanh tra, kiểm tra trong việc thực hiện các quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021.
Quy định mới về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với công chức, viên chức
Có hiệu lực từ ngày 10/12/2021, Nghị định 89/2021/NĐ-CP quy định về chứng chỉ chương trình bồi dưỡng với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
– Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương trình bồi dưỡng được giao thực hiện.
– Viên chức có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng. (Quy định mới)
– Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã sử dụng trên phạm vi toàn quốc. Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng và mẫu chứng chỉ.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định 101/2017/NĐ-CP hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước tiếp nhận chứng từ điện tử 24/7
Theo Thông tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Giao dịch điện tử, Điều 4 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, đảm bảo các yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật trong giao dịch điện tử do Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước quy định theo phân cấp.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành giao dịch bằng phương thức điện tử thì không phải thực hiện giao dịch đó bằng phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục trên Trang thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Chứng từ điện tử trong các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước phải được ký số bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc được xác thực bằng các biện pháp khác theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 165/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Cổng thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước là điểm truy cập duy nhất của Kho bạc Nhà nước trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp các kênh thông tin, các dịch vụ và các ứng dụng mà Kho bạc Nhà nước cung cấp.
Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước có địa chỉ truy cập là https://vst.mof.gov.vn/ và bao gồm các trang thông tin điện tử tích hợp nơi Kho bạc Nhà nước cung cấp các thông tin, dịch vụ, giao dịch liên quan đến hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.
Tuệ An
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Ảnh minh họa/Nguồn: Internet.