Trong Dự thảo hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, việc quy định trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, chưa cụ thể rõ ràng.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (BVMT) mặc dù đã được chỉnh lý sửa đổi nhiều lần so với trước, song vẫn còn nhiều nội dung lớn chưa phù hợp, trong đó có quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải và đơn vị thu gom vận chuyển chất thải.
Luật BVMT sửa đổi được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2022. Luật gồm 16 Chương, 171 Điều với các điểm mới quan trọng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT (Dự thảo Nghị định). Phóng viên Chuyên trang Quản lý môi trường (Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) đã có cuộc trao đổi trực tuyến với ông Lưu Việt Chiến – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đô thị Cần Thơ (LVC) để hiểu rõ hơn về những ý kiến của doanh nghiệp đối với Nghị định nói trên. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.
PV: Ông đánh giá như thế nào về nội dung của bản Dự thảo Nghị định?
LVC: Theo các thông tin tìm hiểu, được biết Dự thảo Nghị định còn nhiều nội dung lớn, chưa phù hợp. Luật BVMT 2020 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, cắt giảm thủ tục hành chính; định chế nội dung sức khỏe môi trường, bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, phân cấp triệt để cho địa phương,… Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật BVMT 2020 đã cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 đến 85 ngày.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BVMT mặc dù đã được chỉnh lý sửa đổi nhiều lần so với trước đó, song vẫn còn nhiều nội dung lớn chưa phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Những nội dung này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho phát triển đất nước mà đặc biệt là phát sinh thủ tục hành chính và cần làm rõ cơ sở pháp lý.
Do đặc thù ngành nghề thuộc lĩnh vực công ích đô thị, cho nên Công ty tập trung góp ý vào một số nội dung trọng tâm liên quan, đó là Chương VI về Quản lý chất thải.
Về mặt chủ trương, định hướng: Đề nghị lồng ghép thêm quan điểm chỉ đạo, quản lý tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; và một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực trong thời gian qua.
Về nội dung chi tiết, cần xác định rõ quy trình quản lý chất thải bao gồm các công đoạn: thu gom, vận chuyển, xử lý, mỗi công đoạn cần quy định xác định đúng đủ chi phí, nguồn từ đâu, cấp quản lý từng công đoạn.
Quy định rõ việc quản lý công tác công ích có yếu tố phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phục vụ sự kiện lễ hội,… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công ích (đa phần là các công ty có vốn Nhà nước chi phối), hoạt động không lợi nhuận,… do đó việc đấu thầu, giảm giá cạnh tranh sẽ rất khó cho việc duy trì hoạt động để đảm bảo duy trì lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt và không đảm bảo yếu tố lợi nhuận, ảnh hưởng đến các chế độ chính sách của người lao động,… Quy định chi tiết lộ trình điều chỉnh giá, nguyên tắc tách bạch giữa hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận theo Nghị quyết 73/NQ-CP của Chính phủ.
PV: Dự thảo Nghị định đề cập nội dung mới là thu phí rác thải, ông có ý kiến gì về nội dung này?
LVC: Khoản 1 Điều 66 nên quy ước định mức theo thể tích hoặc khối lượng và có một hệ số tỷ trọng quy đổi. Vì thực tế công tác thu gom rác từng hộ gia đình không thể đem cân theo xe thu gom, việc ghi nhận khối lượng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Làm rõ trường hợp cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt hơn 300kg/ngày thì sẽ tính giá như thế nào?
Luật BVMT 2020 đã quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phải có trách nhiệm tự phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Vì nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao. Tuy nhiên, nên quy định hệ số quy đổi sao cho phù hợp để các bên dễ dàng thực hiện.
Khoản 3 Điều 66 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 69 về xác định nguồn thu, chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chưa rõ ràng, tách bạch giữa cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức hay hộ gia đình,… giá dịch vụ và hợp đồng dịch vụ, nguồn chi cho hoạt động này là ngân sách địa phương bù đắp? Cần xác định có bao nhiêu cá nhân, hộ gia đình thực tế của địa phương, sau đó mới xác định khoản thu phí hợp lý, tránh tình trạng khoán trắng cho doanh nghiệp không đảm bảo nguồn thu bù đắp chi phí.
Những bật cập trong việc thực hiện các gói thầu thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng và một số tỉnh thành nói chung đều xuất phát do chưa ban hành quy chế đấu thầu dịch vụ công ích một cách rõ ràng. Đơn vị thu gom rác tự tổ chức thu giá dịch vụ và tự cân đối việc tổ chức thu gom. Giá thu gom, đối tượng thu gom, tỷ lệ thu gom được Nhà nước bù giá vẫn chưa được điều chỉnh. Đây là câu chuyện của phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt.
Trong khi đó, theo quy định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp thông qua ngân sách địa phương. Và thực tế, các khoản thu về từ giá dịch vụ, phần Nhà nước bù đắp từ ngân sách thông qua hình thức đấu thầu không thể bù đắp các chi phí hoạt động trong quá trình thu gom, vận chuyển, thì làm sao có khoản đầu tư cho các yêu cầu về đạt các tiêu chuẩn môi trường.
Giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác do thành phố ban hành, kiến nghị có Thông tư hướng dẫn, quy định lộ trình thực hiện.
Khoản 1 và 2 Điều 66 về định giá khối lượng rác thải sinh hoạt nên phân loại theo đô thị và nông thôn vì lượng rác của 2 khu vực sẽ khác nhau về khối lượng, quãng đường thu gom, loại rác, điều kiện hạ tầng… Do đó chi phí bỏ ra cho công tác thu gom sẽ khác nhau,… Đề nghị xác định giá của 2 khu vực này sẽ khác nhau phù hợp với điều kiện, chi phí bỏ ra.
Khoản 2 Điều 70, cần quy định lộ trình tăng giá hợp lý về công tác thu phí rác và công tác vận chuyển thu gon rác từng năm sao cho phù hợp.
Đề xuất ban hành quy định cụ thể việc xác định giá, cơ sở, hướng dẫn lập dự toán, điều chỉnh đơn giá,… bảo đảm tính đúng, tính đủ; mẫu hợp đồng dịch vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thống nhất toàn quốc để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tránh tình trạng mỗi địa phương mỗi khác.
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng nội dung về quy định trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, quan điểm của ông về nội dung này như thế nào?
LVC: Việc quy định trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại Điều 71 còn nhiều bất cập, chưa cụ thể rõ ràng. Ngoài việc đơn vị thu gom, vận chuyển thực hiện trách nhiệm theo quy định tại các tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường và Khoản 2 Điều 66 của Nghị định, phải bảo đảm đủ yêu cầu về nhân lực, phương tiện và thiết bị chuyên dụng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định,… Thực tế phát sinh rất nhiều bất cập trong việc lựa chọn và giám sát quá trình thực hiện. Đơn cử như việc sử dụng các loại xe tải hàng hóa thông thường để vận chuyển rác thải sinh hoạt (các loại xe này đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường khi đăng kiểm và cấp giấy phép hoạt động). Tuy nhiên các loại xe đó lại không phù hợp cho việc vận chuyển rác thải, do có thể làm phát sinh nước rỉ rác, mùi hôi… ảnh hưởng môi trường.
Đối với quy định đơn vị thu gom phải chịu trách nhiệm về tình trạng rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển, có một số nội dung rất khó đảm bảo được. Vì rác thải sinh hoạt có thành phần hữu cơ rất cao,… rất mau phân hủy và phát sinh nhiều mùi hôi. Mặc dù đơn vị thu gom đã thực hiện công đoạn phun xịt chế phẩm khử mùi nhưng không thể khống chế toàn bộ mùi hôi mà chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất có thể.
Do đó, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm cụ thể của chủ nguồn thải và mức độ hạn chế mùi hôi phát tán để làm căn cứ áp dụng.
Bổ sung quy định phân cấp việc quản lý nhà nước, đơn vị thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho hệ thống thu gom, vận chuyển rác, ví dụ: quy hoạch và xây dựng các trạm trung chuyển rác, điểm tập kết rác, quy định lộ trình tuyến đường thu gom rác…
Trân trọng cảm ơn ông.
Hà Thắm
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Thới Lai