Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin giới thiệu bản góp ý vào dự thảo Nghị định Luật Bảo vệ Môi trường 2020 của GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam
Điều 66. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt từ cơ quan, tổ chức, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp
Tại khoản 1 và 2: Nên xem lại khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được quy định: Nếu tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường hoặc quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Cơ sở nào để đề xuất 300 kg/ngày: Vì nếu theo tiêu chuẩn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) hiện nay đang tính cho các đô thị trung bình là 1kg/ngày thì 300 kg tương đương với lượng chất thải do 300 người thải ra trong 1 ngày, (nếu hộ gia đình thì tương đương 70 hộ, và nếu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thì có 300 cán bộ, công nhân viên) đây là một con số rất lớn, mà quy định được lựa chọn hình thức quản lý CTRSH như hộ gia đình, theo tôi là không phù hợp, mà có thể gây ô nhiễm thứ cấp, mà chỉ nên đề xuất dưới 200 kg/ngày.
Điều 67. Lựa chọn chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Tại điều này cụm từ Chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần có giải thích rõ tại phần Giải thích thuật ngữ
Điều 68. Lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp
1.Tại khoản 2: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đến năm 2025 đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%.
Nếu lấy mốc 2025 để đưa ra quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý CTRSH …. đảm bảo tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%.
Nên xem xét lại điều này, bởi vì theo số liệu điều tra hiện nay tỷ lệ chôn lấp CTRSH của các tỉnh, thành phố trực thuộc TW từ 50 – 70%, nhưng từ nay (khi Nghị định này được ban hành và có hiệu lực) chắc phải đến giữa năm 2022 hoặc muộn hơn, như vậy đến năm 2025 chỉ còn khoảng hơn 2 năm, vậy thì đầu tư nhà máy hay công nghệ gì để giảm được tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 30% ?. Chỉ việc thủ tục xin giấy phép đầu tư, các thủ tục khác (có thể có như thuê đất, thẩm định công nghệ …) có thể đã mất khoảng 1-2 năm. Theo tôi để quy định này có tỉnh khả thi phải ghi đến năm 2030.
Điều 69. Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chính quyền địa phương trả cho nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Tại khoản 1: Chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng được bù đắp thông qua ngân sách địa phương.
Tại sao ngân sách địa phương phải bù đắp ? Nếu đã tính đúng tính đủ và theo nguyên tắc: Người gây ô nhễm phải trả tiền
Hơn nữa tên của điều 69 nên xem lại vì bản thân tên gọi của điều này chưa chuẩn xác vì tại khoản 3 của điều này lại ghi:
3. Nguồn thu để chi trả cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bao gồm kinh phí (giá dịch vụ) mà tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải chi trả cho cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.
Vậy đâu phải chỉ có chính quyền chi trả như tên của điều 69
Điều 70. Giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Tại điểm b khoản 1 điều này ghi:
b. Việc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải căn cứ vào công nghệ xử lý, điều kiện hạ tầng, điều kiện kinh tế – xã hội;
Theo tôi để chuẩn xác hơn nên ghi là:
b. Việc định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải căn cứ vào chi phí đầu tư vào công nghệ xử lý, điều kiện hạ tầng, điều kiện kinh tế – xã hội;
Điều 74. Lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa
Tại khoản 6: chỉnh sửa lỗi chính tả (thiếu chữ một):
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa; đảm bảo sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy tại các trung tâm
thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch phục vụ cho mục đích sinh hoạt; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì khó khó phân hủy trên địa bàn.
Tại chương VI: QUẢN LÝ CHẤT THẢI
Nên bổ sung thêm mục: QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG
Vì dạng chất thải này chưa thấy có quy định nào đề cập tới trong cả 4 mục được nêu trong chương này. Nếu nó được xếp vào mục 3 là chất thải công nghiệp thông thường thì cũng nên có Quy định về loại chất thải này.
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng
Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Công việc của công nhân vệ sinh thu gom rác nhìn vào rất đơn giản nhưng ẩn trong đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn