Hải Phòng góp ý Dự thảo Nghị định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, do vậy việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020 là cần thiết.

Hiện tại, Bộ TN&MT đã giúp Chính phủ soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2020. 

Dự thảo Nghị định cũng đã quy định các nội dung cơ bản về bảo vệ môi trường nước, không khí, đất, di sản thiên nhiên, phân vùng môi trường, tiêu chí môi trường để phân loại dự án đầu tư, về giấy phép môi trường, về vận hành các công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, … 

Để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết, Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin giới thiệu toàn văn góp ý của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng 

Về lĩnh vực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM):

– Về phí thẩm định báo cáo ĐTM:

Luật Bảo vệ môi trường 2015 có quy định về việc nộp phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, tại Luật BVMT năm 2020 và dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT năm 2020 chưa thấy quy định về nội dung này. Đề nghị bổ sung nội dung quy định về nội dung thu phí về thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để có chi phí cho hoạt động thẩm định.

– Về tham vấn trong đánh giá tác động môi trường: 

Xem xét rút ngắn thời gian đăng tải trên cổng thông tin. Do thời gian đăng tải quy định tại Khoản 4 Điều 25 là 30 ngày tương đối dài, dẫn tới kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư của Chủ dự án. Đề xuất giảm xuống còn 10-15 ngày.
Mặt khác, tại Khoản 4, Điều 25 dự thảo Nghị định quy định: “Sau thời điểm bắt đầu đăng tải trên trang thông tin điện tử, chủ dự án chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở UBND cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm họp tham vấn ý kiến các đối tượng”. Để có thể triệu tập được các thành phần tham gia cuộc họp theo quy định, đề nghị giao nội dung này cho UBND cấp xã chủ trì thực hiện.

– Về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường quy định tại Điều 27: xem xét tách riêng thành 2 mục (mục dành cho các dự án không thuộc đối tượng đánh giá tác động môi trường và mục dành cho các dự án đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường) để phù hợp với quy định tại Điều 28.

2. Về lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm:

– Về Bảo vệ môi trường đối với khu vực mai táng quy định tại Điều 57:
Bổ sung việc quản lý bùn thải từ hệ thống xử lý khí thải, nước thải.

– Về trình tự thủ tục kiểm tra, giám định chất lượng và thông quan phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất quy định tại Điều 79: “5. Cơ quan cấp Giấy phép môi trường, cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có quyền kiểm tra, thanh tra đột xuất hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu và hoạt động kiểm tra, giám định chất lượng lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật ngoài kế hoạch kiểm tra, thanh tra hàng năm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao”.

Xem xét bỏ nhiệm vụ kiểm tra, giám định chất lượng lô hàng phế liệu của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh sẽ phối hợp thực hiện khi có yêu cầu của Cơ quan cấp Giấy phép môi trường.

– Về lộ trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp quy định tại Điều 85: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đến năm 2025 đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%.”

Xem xét lại chỉ tiêu chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30% vào năm 2025 là rất khó đối với Hải Phòng. Đề xuất là 50%.

– Về trách nhiệm của chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định tại Điều 94: 

Bổ sung trách nhiệm định kỳ hàng năm báo cáo Sở TNMT về tình hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường; kết quả chuyển giao chất thải này cho đơn vị có chức năng (nếu có) và chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển.

– Về trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trong quản lý chất thải nguy hại: xem xét lại một số trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường “1. Quản lý các hồ sơ, báo cáo, hợp đồng, chứng từ của các chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong phạm vi địa phương mình. Việc Cập nhật cơ sở dữ liệu về chất thải nguy hại và triển khai kê khai chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại trực tuyến tại địa phương”. 

Nội dung này nên phân cấp cho cơ sở tự kê khai, tự chịu trách nhiệm.

– Về Mức đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quy định tại Điều 115: “1. Mức đóng góp đối với bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật: a) 100 đồng/1 bao, gói đối với bao, gói nhựa có dung tích nhỏ hơn 500ml; 120 đồng/1 bao, gói đối với bao gói nhựa có dung tích từ 500ml trở lên; b) 200 đồng/1 chai, lọ, bình thủy tinh có dụng tích nhỏ hơn 500ml; 350 đồng/1 chai, lọ, bình có dung lượng từ 500ml trở lên; 103 c) 190 đồng/1 chai, lọ, bình kim loại có dung tích nhỏ hơn 500ml; 330 đồng/ 1 chai, lọ bình có dung tích từ 500ml trở lên”. 

Thực tế chi phí xử lý bao bì thuốc BVTV tại Hải Phòng rất lớn (có huyện gần 800 triệu/năm). Do vậy, nên xem xét lại mức phí này (hiện đề xuất rất thấp) để có thể khả thi cho việc hỗ trợ xử lý bao bì thuốc BVMT.

MTĐT

(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)

Ảnh: Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet