Thời gian được sử dụng còi xe, âm lượng còi xe, tình huống sử dụng còi xe… là những quy định về sử dụng còi xe mà người lái xe nào cũng cần biết.
Hỏi: Khi tham gia giao thông, chúng ta thường bắt gặp nhiều xe ô tô, mô tô và các loại xe tương tự khác sử dụng còi hơi, còi không đúng thiết kế, bấm còi không đúng nơi quy định gây khiến người đi đường dễ giật mình bởi tiếng còi to chói tai dẫn đến tai nạn giao thông. Xin Luật sư cho biết, pháp luật xử lý như thế nào đối với hành vi nêu trên?
(Lan Anh, Quốc Oai, Hà Nội)
Luật sư trả lời:
Thời gian được sử dụng còi xe, âm lượng còi xe, tình huống sử dụng còi xe…là những quy định về sử dụng còi xe mà người lái xe nào cũng cần biết.
Theo khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: nghiêm cấm hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.
Đối với những trường hợp vi phạm, việc xử lý được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, cụ thể:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:
– Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
– Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị theo quy định đồng thời bị tịch thu còi vượt quá âm lượng.
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:
-Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
-Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định. Vi phạm quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
-Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông: Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe đồng thời bị tịch thu còi không đúng quy định.
-Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng không có tác dụng.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng:
-Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
Vi phạm những quy định trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
Việc sử dụng còi xe “vô tội vạ” không phải chuyện hiếm, đặc biệt ở các thành phố lớn trong giờ tan tầm. Tuy nhiên, việc này không những chẳng mang lại tác dụng gì mà còn khiến thành phố bị ô nhiễm tiếng ồn, người tham gia giao thông trở nên khó chịu. Thậm chí, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Sử dụng còi xe đúng cách không chỉ tránh cho người điều khiển phương tiện bị xử phạt mà còn thể hiện văn hóa của người tham gia giao thông./.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Việc độ, sử dụng không đúng còi xe với phương tiện giao tông sẽ bị xử phạt. Ảnh: TL