Theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, các hành vi vi phạm các quy định về sử dụng điện.
Hỏi:Hiện nay, nhiều nơi hay xảy ra những vụ trộm cắp vật tư, thiết bị điện tại các trạm biến áp, tủ điện hạ áp, gây hư hỏng hệ thống lưới đang vận hành và làm gián đoạn việc cung cấp điện trên địa bàn. Vậy, xin Luật sư cho biết, việc xử phạt hành vi vi phạm các quy định về sử dụng điện như thế nào?
(Vân Khánh, Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội)
Luật sư: Đúng như bạn nêu, nhũng năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp điện, thiết bị điện với thủ đoạn tinh vi. Đối tượng trộm cắp thiết bị điện đã dùng đồ nghề chuyên dùng để cắt và lấy đi hàng chục mét dây cáp điện tổng trạm biến áp, cắt cáp điện công tơ ba pha, cắt cáp điện lộ…Việc làm này còn gây ra hư hỏng cáp điện, tạo cháy nổ lớn tại các trạm biến áp. Đáng chú ý, kẻ trộm liều lĩnh đột nhập và lấy cắp thiết bị điện phục vụ các cơ quan nhà nước, gây mất an toàn, làm gián đoạn cung cấp điện.
Theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, các hành vi vi phạm các quy định về sử dụng điện. Cụ thể:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây); Phạt tiền lên đến 50 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000kWh đến dưới 20.000kWh.
Ngoài hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như, tịch thu tang vật, phương tiện thực hiện vi phạm; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được và bồi thường toàn bộ số tiền bị thiệt hại đối với hành vi vi phạm.
Mới đây Bộ Công Thương đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đối với Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo dự thảo, phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
Phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500 kWh đến dưới 11.000 kWh;
Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000 kWh đến dưới 13.500 kWh;
Phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500 kWh đến dưới 16.000 kWh;
Phạt tiền từ 80-90 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000 kWh đến dưới 18.000 kWh;
Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh.
Vi phạm các quy định về mua, bán buôn điện bị phạt tới 200 triệu đồng
Dự thảo cũng nêu rõ, phạt tiền đơn vị điện lực từ 100-120 triệu đồng đối với hành vi mua, bán buôn điện mà hợp đồng mua, bán buôn điện không tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán điện có thời hạn.
Phạt tiền đơn vị bán buôn điện từ 120-140 triệu đồng đối với hành vi mua, bán điện với đơn vị không có Giấy phép hoạt động điện lực.
Phạt tiền đơn vị bán buôn điện từ 140-200 triệu đồng đối với hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi xuất khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Dự thảo Nghị định lần này cũng quy định, một số hành vi vi phạm hành chính của các đơn vị điện lực được rà soát, bổ sung; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực (vi phạm về Giấy phép hoạt động điện lực; phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán buôn, bán lẻ điện, thực hiện thị trường điện cạnh tranh, sử dụng điện, an toàn điện, v.v.), quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy điện và quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được nghiên cứu điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả của vi phạm hành chính, điều kiện kinh tế – xã hội cũng như bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm…
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuận Thụ
(Theo Môi trường & Đô thị điện tử)
Ảnh: Điện lực Phú Bình, Thái Nguyên nâng cấp Trạm biến áp xóm Chiềng, xã Lương Phú